Thứ sáu 22/11/2024 05:05

Kiến nghị 4 nội dung để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã kiến nghị tới Thủ tướng 4 nội dung để thúc đẩy quảng bá sản phẩm góp phần mở rộng, phát triển thị trường.

Xúc tiến thương mại hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp

Báo cáo tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và Mở rộng thị trường xuất khẩu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mạicho biết: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, sự phối hợp tích cực của các Bộ ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai công tác xúc tiến thương mại đa dạng, linh hoạt, thích ứng với bối cảnh hiện tại và hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các địa phương trong việc kết nối cung cầu trên thị trường trong nước, khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Về công tác xúc tiến thương mại thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, năm 2022 Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều chương trình lớn nhằm thúc đẩy sản xuất, kết nối sản xuất với thị trường trong nước như Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”. Chuỗi cương trình kết nối giao thương cấp vùng, Hỗ trợ xúc tiến hàng Việt Nam, sản phẩm OCOP... qua đó giúp các nhà sản xuất, các nhà cung ứng của các địa phương kết nối với hệ thống phân phối, các đơn vị thu mua phục vụ sản xuất.

Đáng chú ý, Chuỗi chương trình nâng cao năng lực chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tổ chức cho hàng ngàn lượt doanh nghiệp, hợp tác xã trên khắp cả nước thông qua hướng dẫn hỗ trợ kỹ năng quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, kỹ năng tham gia hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn có uy tín, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà cung ứng phát triển đa dạng kênh phân phối từ các kênh truyền thống đến kênh phân phối hiện đại và kênh phân phối số.

Về công tác xúc tiến thương mại thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, năm 2022 Bộ Công Thương cũng triển khai hàng loạt các Chương trình ở trong nước và quốc tế như tham gia các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài, đón các nhà nhập khẩu vào Việt Nam mua hàng, tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành có uy tín trên thế giới, tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng ở Việt Nam...; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thông qua việc cung cấp thông tin cập nhật về thị trường, tư vấn chính sách tham gia thị trường thế giới qua các chương trình giao ban xúc tiến thương với cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng. Chương trình tư vấn xuất khẩu trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Chương trình nhịp cầu thương vụ trên VTV1 hàng tuần... Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp trong thời gian Covid-19 đã góp phần quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp đạt được kết quả xuất khẩu tích cực trong thời gian qua.

Tập trung quảng bá, giữ vững và mở rộng thị trường

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng cho rằng, căn cứ trên những nhận định của các tổ chức, chuyên gia kinh tế quốc tế và trong nước cho thấy năm 2023 sẽ còn nhiều thách thức khó lường, thị trường tiếp tục có những dị biệt; cạnh tranh thương mại, đầu tư diễn biến phức tạp, bảo hộ ngày càng tăng... Trong bối cảnh đó, công tác xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Chính vì vậy, thời gian tới công tác xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào các nội dung như:

Quán triệt khẩu trương, triệt để Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn nhiều tiềm năng, thị trường đối tác ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới và các thị trường mới có tiềm năng, đối với nhóm giải pháp xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã khẩn trương phê duyệt và ban hành Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2023 với gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế, theo đó, sẽ có hàng trăm ngàn lượt doanh nghiệp được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động này. các nội dung sẽ được ưu tiên triển khai là:

Tăng cường triển khai các hoạt động kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam với nhà mua hàng quốc tế thông qua việc tổ chức các đoàn giao thương tại nước ngoài, các đoàn doanh nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam. Cục sẽ chủ trì, lựa chọn và tổ chức gian hàng quốc gia quảng bá sản phẩm xuất khẩu tại các hội chợ chuyên ngành quốc tế có uy tín tại các thị trường trọng điểm, thị trường mới có tiềm năng; tổ chức các hội nghị ngành hàng quốc tế lớn tại Việt Nam để quảng bá tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam…

Đồng thời, phát huy nguồn lực trong và ngoài nước đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và sản phẩm đặc sản vùng miền ở thị trường nước ngoài; tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo; thường xuyên cập nhật và cung cấp rộng rãi thông tin thị trường, tiêu chuẩn điều kiện nhập khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiềm năng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Khẩn trương triển khai ngay hoạt động xúc tiến thương mại ngay từ đầu năm, chủ động chuẩn bị thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đặc biệt nông sản có tính mùa vụ tránh tình trạng ùn ứ, được mùa mất giá nông sản khi đến vụ.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị

Theo Cục Xúc tiến thương mại, đối với thị trường Trung Quốc, nhằm tranh thủ các cơ hội khi thị trường này đã mở cửa trở lại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các nhà xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản, hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạnh Trung Quốc để tận dụng các cơ hội xuất khẩu hiệu quả. Bộ Công Thương cũng đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành Việt nam và các cơ quan liên quan Trung Quốc tổ chức “Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Thượng Hải lần thứ nhất về xuất khẩu chính ngạch nông, hải sản Việt Nam vào Trung Quốc qua cảng Thượng Hải” dự kiến vào tháng 4 tại Hà Nội. Đây sẽ là diễn đàn thường niên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Song song với các định hướng trên, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả, và tốc độ trong hời gian tới.

Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Thương mại quốc tế (ITC) về vai trò của xúc tiến thương mại đối với xuất khẩu của các quốc gia cho thấy, mỗi 01 đô la Mỹ chi cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu giúp các quốc gia tăng thêm được 87 đô la giá trị xuất khẩu và 384 đô la đóng góp vào GDP.

Thực tế hiện nay, đầu tư ngân sách cho xúc tiến thương mại ở Việt Nam còn rất hạn chế, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác và chưa tương xức với mức tăng trưởng xuất khẩu. Năm 2012, kinh phí được cấp cho Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia là 93 tỷ đồng, trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD. Từ năm 2020 đến nay kim ngạch xuất khẩu đã tăng hơn 100%, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh covid-19 nhưng đạt 282,66 tỷ USD, năm 2021 đạt 336,31 tỷ USD, năm 2022 đạt gần 372 tỷ USD nhưng kinh phí Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia dù được tăng dần các năm sau đó và ổn định ở mức 136 tỷ/năm (khoảng 5,7 triệu USD), như vậy mức tăng kinh phí xúc tiến thương mại thấp, chưa tương xứng với tăng trưởng xuất khẩu.

Trên thế giới, Thái Lan dành ngân sách cho xúc tiến thương mại năm 2022 khoảng 74,6 triệu USD. Trung Quốc chi cho hoạt động xúc tiến thương mại thông qua Ủy ban Xúc tiến thương mại Trung Quốc trung bình khoảng 15 triệu USD/năm. Hàn Quốc chi khoảng 330 triệu USD cho riêng các hoạt động khảo sát thị trường nước ngoài và các đoàn thương mại. Canada dành cho xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương là khoảng 94.1 triệu USD. Italia chi cho các chương trình xúc tiến, phát triển ngoại thương, xây dựng thương hiệu quốc gia lên đến 184,8 triệu USD/năm. Như vậy, ngân sách chi cho hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam rất khiêm tốn, chỉ bằng khoảng 1,2% của Hàn Quốc, 8 % của Thái Lan...

Do hạn chế về kinh phí, quy mô hoạt động của Việt Nam tại các sự kiện quốc tế rất khiêm tốn, và nhỏ bé so với các nước trong khu vực và các nước khác, khó khăn trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia, ngành hàng, sản phẩm. Để triển khai có hiệu quả hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, như sau:

Thứ nhất, hiện nay năng lực cung ứng hàng hóa và năng lực thích ứng thị trường của doanh nghiệp đã được cải thiện, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang dần khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế và đòi hỏi đầu tư nhiều hơn cho xúc tiến thương mại quảng bá hình ảnh ngành hàng, sản phẩm, Cục xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài Chính nghiên cứu, sắp xếp, bổ sung nguồn kinh phí thông qua Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu quốc gia. Việc làm này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, có chiều sâu, xây dựng chương trình quảng bá hình ảnh Việt Nam là nước xuất khẩu có uy tín có tầm cỡ tại các sự kiện quốc tế.

Thứ hai, Cục cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương mở rộng mạng lưới cơ quan Thương vụ và Văn phòng xúc tiến thương mại; bổ sung cơ sở vật chất, kinh phí cho hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu chính sách và hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển xuất khẩu.

Thứ ba, về phía địa phương, hiện nay mạng lưới cơ quan xúc tiến thương mại chưa thống nhất trên cả nước về tổ chức và chức năng gây khó khăn, thiếu hiệu quả cho phối hợp, triển khai và chỉ đạo các hoạt động xúc tiến thương mại. Vì vậy, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cho các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương thống nhất bộ máy và tổ chức hệ thống này.

Thứ tư, hiện nay, xúc tiến thương mại được nhiều Bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư các nguồn lực khác nhau triển khai nhưng chưa có sự thống nhất về nội dung triển khai hàng năm và trung hạn trên cả nước. Để tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong triển khai hoạt động Cục đề xuất Thủ tướng giao Bộ Công Thương làm đầu mối tổng hợp, rà soát các nội dung mang tầm quốc gia. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương lồng ghép, tổ chức các hoạt động và vùng miền trên phạm vi cả nước.

Nhóm PV
Bài viết cùng chủ đề: Xúc tiến thương mại

Tin cùng chuyên mục

Phản ứng của Việt Nam về những động thái mới của Philippines tại Biển Đông

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia

Bộ Ngoại giao thông tin về việc tiếp nhận 5 máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ

Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc

Xung đột Nga-Ukraine lan rộng, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine

Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo các ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể

Việt Nam - Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Quốc hội điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, xem xét công tác nhân sự

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Thủ đô Phnom Penh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Campuchia

Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Phó Thủ tướng Lê Thành Long hội kiến Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Chiết Giang, Trung Quốc

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lên đường thăm chính thức Campuchia

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Malaysia

Giá bất động sản phi mã, lao động, công chức khó có thể mua

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Dominica

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

Nhiều mỏ cát phục vụ cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long không đạt tiêu chuẩn

Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025

Chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan