Kiên Giang: Xử lý 19 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 1,3 tỷ đồng
Ngày 30/7, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang thông tin, đơn vị vừa có báo cáo kết quả hoạt động trong tháng 7/2024.
Theo đó, trong tháng 7, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang đã triển khai, tập trung chỉ đạo các Đội duy trì thực hiện tốt các mặt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất có trọng tâm, trọng điểm; giám sát địa bàn, tham gia phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Kết quả, trong tháng 7/2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang đã kiểm tra 82 vụ (đạt 119% kế hoạch tháng); phát hiện, xử lý 19 vụ vi phạm hành chính; thu nộp ngân sách 1,37 đồng. Ngoài ra, đơn vị còn thống kê 240 cơ sở, ký 306 bản cam kết.
Cùng với đó, lực lượng đã giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của 536 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, thiếu hụt nguồn cung ứng.
Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, trình Cục trưởng xử phạt 112,7 triệu đồng đối với 1 cơ sở kinh doanh LPG (Ảnh: Cục QLTT tỉnh Kiên Giang) |
Một số vụ việc điển hình như: Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, trình Cục trưởng xử phạt 112,7 triệu đồng đối với 1 cơ sở kinh doanh LPG vi phạm các điều kiện trong kinh doanh LPG, hàng hóa vi phạm gồm 236 chai LPG và LPG chai các loại.
Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, trình Cục trưởng xử phạt 55 triệu đồng đối với 1 cơ sở trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra, lấy mẫu, lập biên bản vi phạm hành chính, trình Chủ tịch UBND huyện xử phạt hơn 47 triệu đồng đối với 1 cơ sở bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang, trong tháng 8 năm 2024, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện theo đúng tiến độ các kế hoạch đã đề ra, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân với hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể.
Đồng thời, phát huy, nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại. Chủ động giám sát, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.
Đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử, trên môi trường mạng.