Kiên Giang: Đam mê thiên văn, thanh niên chế đĩa bay như UFO chạy trên nước
Mới đây, một video chạy thử nghiệm chiếc đĩa bay tự chế trên sông tại Kiên Giang đã thu hút hơn 8,6 triệu lượt xem. Chiếc đĩa bay này được tạo hình và trang trí bắt mắt, có khả năng đóng mở tự động. Mô hình này cũng được trang bị động cơ, có thể chở được tối đa 2 người và di chuyển linh hoạt trên mặt nước.
Chủ nhân của chiếc đĩa bay này là anh Trần Long Hồ, một YouTuber nổi tiếng có tên Thánh chế - Mr Hồ, với hơn 1,1 triệu người theo dõi trên mạng xã hội. Anh hiện đang ngụ xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.
Anh Trần Long Hồ, người Kiên Giang đã mất gần 4 tháng để chế tạo thành công đĩa bay chạy trên mặt nước. Ảnh: NVCC |
Mặc dù không phải chuyên gia nhưng nhờ sự đam mê sáng tạo, anh Hồ đã chế thành công một chiếc đĩa bay gắn động cơ mô tô nước, có thể đạt tốc độ khoảng 50km/h.
Trả lời với phóng viên Báo Công Thương vào trưa ngày 18/9, anh Trần Long Hồ cho biết: "Mình cũng hay xem mấy cái video thiên văn học, đĩa bay bên nước ngoài đăng trên mạng nên lâu nay mình vẫn đam mê nghiên cứu. Ý tưởng này ấp ủ cũng lâu rồi nên mình quyết định chế mẫu này để trải nghiệm thử. Sản phẩm này chỉ làm để giải trí thôi chứ không dùng để sử dụng làm phương tiện di chuyển chính đi đường thuỷ".
"Tôi chỉ làm một lần để trải nghiệm chơi thôi, để đăng lên cho khán giả trên kênh Youtube của mình thưởng thức chứ không có ý định sản xuất thêm mô hình kiểu này. Bởi vì mỗi lần làm đĩa bay khá cực và khó", anh Hồ chia sẻ thêm.
Anh Trần Long Hồ đã chế thành công một chiếc đĩa bay gắn động cơ môtô nước, có thể đạt tốc độ khoảng 50km/h. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ về quá trình thực hiện, chế tạo ra sản phẩm, chủ nhân chiếc đĩa bay cho biết, phần đĩa bay này được làm toàn bộ bằng chất liệu từ nhựa composit, phần dưới được lắp động cơ như một chiếc thuyền chạy trên nước thông thường. Tổng trọng lượng của chiếc đĩa bay này nặng gần 300kg. Tuy nặng nhưng do được thiết kế theo dạng hình đĩa nên rất khó bị lật hoặc chìm.
Theo anh Hồ, để làm ra chiếc đĩa bay này, anh phải mất rất nhiều công đoạn. Trước tiên là dùng than củi vẽ nhiều vòng tròn đồng tâm trên nền nhà rồi đắp cát để tạo khuôn có hình dáng như chiếc đĩa bay. Sau đó, anh đổ nhựa composite lỏng lên khuôn, tạo thành lớp vỏ bên ngoài. Khuôn khô, anh gia cố bằng cách uốn, cắt, hàn sắt vào bên trong. Sau đó, anh cắt cửa, lắp đặt động cơ để 2 cánh cửa có thể tự đóng, mở bằng công tắc.
Để mô hình sống động, bắt mắt, anh tạo hình nhiều cửa sổ bằng những họa tiết và thiết kế hệ thống đèn điện nhiều màu, bảng công tắc nhiều nút bấm đẹp mắt giống như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.
Đĩa bay được thiết kế hệ thống đèn điện nhiều màu, bảng công tắc nhiều nút bấm đẹp mắt. Ảnh: NVCC |
Anh Hồ cho biết đã nhiều lần kiểm tra qua độ an toàn của đĩa bay, nhờ cấu tạo theo hình đĩa nên sản phẩm này rất khó bị lật, chìm. Bên trong được thiết kế thêm điều hoà thoáng khí, hút gió vào khoang nên người ngồi không bị nóng, không bị ngợp. Anh mất khoảng 4 tháng để hoàn thành được sản phẩm này với chi phí sản xuất khoảng 60 triệu đồng.
"Sau này, tôi cũng có thể tái chế lại các linh kiện trong này để làm thêm mẫu mới lạ hơn, phục vụ giải trí cho khán giả. Tính đến nay, tôi đã tự chế tạo thành công được hàng chục sản phẩm khác nhau trong suốt 2 năm qua", anh Hồ chia sẻ.
Anh cho biết, bản thân chỉ tự mày mò, học hỏi chế tạo chứ không xuất thân từ ngành cơ khí. Cách đây 2 năm, để tiết kiệm chi phí, anh bắt đầu đi mua các linh kiện cũ từ các điểm thu gom “ve chai” về tự chế ra các chiếc thuyền nhỏ, mang phong cách độc lạ, bắt mắt. Nhờ sự đam mê và sáng tạo không ngừng của mình, anh đã chế tạo thành công rất nhiều mô hình mới lạ, thu hút hàng triệu người xem thích thú.
Trong thời gian tới, anh Hồ cũng dự định đăng ký học thêm các bằng cấp liên quan về việc điều khiển các phương tiện đường thuỷ.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang, các phương tiện đường thuỷ có tốc độ trên 30km/giờ cần được đăng ký, đăng kiểm theo quy định pháp luật và người điều khiển phải có bằng cấp liên quan. Sở cũng khuyến khích sự sáng tạo và sẵn sàng hỗ trợ các sáng chế mới của người dân trên địa bàn tỉnh để bảo đảm an toàn và quyền sở hữu trí tuệ.