Kiểm toán về quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học - công nghệ: Những bất cập nổi cộm
Kinh phí đầu tư thấp
Theo ông Hoàng Văn Lương - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III, cùng với một số kết quả đáng ghi nhận thì thực tế vẫn cho thấy một số tồn tại, bất cập được phát hiện qua kiểm toán.
Bất cập nổi cộm là kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học - công nghệ trong những năm qua chưa đạt tỷ lệ tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết 20-NQ/TW, Luật Khoa học và công nghệ và đạt tỷ lệ rất thấp so với GDP. Kết quả kiểm toán ghi nhận, dự toán chi ngân sách nhà nước bố trí cho khoa học – công nghệ trung bình giai đoạn 2020-2022 là 17.494 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,01% tổng chi ngân sách nhà nước, đạt 0,2% GDP.
Còn những bất cập qua kiểm toán khoa học - công nghệ. Ảnh minh họa |
Một bất cập nữa là việc xác định mục tiêu của Chiến lược phát triển Khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa phù hợp. Đến năm 2025, nếu tổng chi quốc gia cho khoa học – công nghệ đạt 0,8% - 1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60% - 65% thì tổng đầu tư cho khoa học - công nghệ phải đạt từ 2 -2,8% GDP, không phải là 1,2 - 1,5% GDP như Chiến lược đề ra.
Hơn nữa, mục tiêu Chiến lược phát triển Khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đề ra đến năm 2025 giảm so với yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW (trên 2% GDP vào năm 2020) nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ khi tham mưu, trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đã không thuyết minh việc giảm này.
Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ rõ, mức đầu tư cho khoa học – công nghệ của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tổng chi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) bình quân của thế giới năm 2021 so với GDP là 1,93%; các nước Đông Nam Á là 1,07%; một số quốc gia châu Á có mức chi cho khoa học - công nghệ cao so với mức trung bình của thế giới là Hàn Quốc 4,92% (đứng thứ 2 thế giới); Nhật Bản 3,2%; Trung Quốc 2,4%.
Mặc dù mức đầu tư cho khoa học – công nghệ còn thấp so với yêu cầu, chưa đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định, nhưng thực tế lại cho thấy khả năng hấp thụ vốn đầu tư của ngành này chưa tương xứng. Kết quả kiểm toán chỉ rõ, hàng năm số hủy dự toán, số nộp trả ngân sách nhà nước, chuyển nguồn ngân sách sang năm sau lớn.
Đáng chú ý, theo báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2014 - 2022 không có số liệu về số lượng Bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ có 2.995 nhiệm vụ khoa học – công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có báo cáo về tính ứng dụng vào thực tiễn. Nhưng nội dung báo cáo chưa đầy đủ các chỉ tiêu, chưa có nhiệm vụ nào lượng hóa được hiệu quả kinh tế, thương mại của kết quả nghiên cứu theo thuyết minh được phê duyệt…
Từ những bất cập trên, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát các quy định tại Luật Khoa học và công nghệ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học – công nghệ đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 70/NĐ-CP; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo thẩm quyền để thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phát triển khoa học – công nghệ.
Cùng với đó, cần tổng kết đánh giá hiệu quả, đánh giá lại cơ chế hoạt động của các Phòng Thí nghiệm trọng điểm để có phương án sắp xếp phù hợp, nhằm khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước và phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cần những chuyển biến quan trọng
Trước thực tế nguồn lực đầu tư cho khoa học – công nghệ còn hạn hẹp, tại Nghị quyết chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã yêu cầu phải tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học – công nghệ, bảo đảm từ 2% tổng chi ngân sách trở lên theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ; thống kê; tổng hợp số liệu, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển khoa học – công nghệ tại các cơ quan, địa phương; rà soát, đơn giản hóa thủ tục thanh, quyết toán kinh phí nghiên cứu khoa học, mở rộng cơ chế giao khoán sản phẩm...
Nêu bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học – công nghệ có hạn, trong khi Đảng và Nhà nước chủ trương thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển khoa học – công nghệ, nhiều ý kiến đề xuất Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, đơn vị có liên quan rà soát, kiến nghị cơ quan liên quan sửa đổi Nghị định số 70/2018/NĐ-CP theo hướng giao sản phẩm khoa học – công nghệ hình thành từ các nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước cho các tổ chức chủ trì nhiệm vụ để chủ động khai thác, sử dụng, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm theo quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ và các quy định hiện hành khác.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải có giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, nhất là hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo những chuyển biến quan trọng nhằm khắc phục tối đa những công trình nghiên cứu “đút ngăn kéo”, để nguồn lực đầu tư cho khoa học – công nghệ được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí... Từ đó đưa khoa học – công nghệ thực sự trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, xứng tầm với vai trò là một trong những khâu đột phá, then chốt đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững như mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Đối với Chính phủ, Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện tổng kết, đánh giá việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đã đầu tư cho phát triển khoa học – công nghệ; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ chế “bố trí kinh phí cho khoa học – công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm được quy định tại Luật Khoa học và công nghệ”. |