Kiểm toán nhà nước kề vai, sát cánh cùng Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp
Đáp ứng tốt hơn các yêu cầu
Kiểm toán nhà nước cho biết, theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ về việc thành lập cơ quan Kiểm toán nhà nước, tại thời điểm đó, Kiểm toán nhà nước chỉ là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.
Như vậy về nguyên tắc, Kiểm toán nhà nước gần như không liên quan gì đến Quốc hội, đến cơ quan dân cử. Thế nhưng, ngay từ những năm đầu thành lập, Kiểm toán nhà nước đã được Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội khi đó (sau này là Ủy ban Tài chính - Ngân sách) và hội đồng nhân dân một số địa phương biết đến và có mối quan hệ chặt chẽ. “Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội thường mời Kiểm toán nhà nước tham gia các cuộc thẩm tra của Ủy ban đối với các báo cáo do Chính phủ trình. Điều này cho thấy, các cơ quan của Quốc hội đã hiểu được vai trò của Kiểm toán nhà nước ngay từ lúc mới thành lập cho dù cơ quan kiểm toán chưa liên quan nhiều đến hoạt động của Quốc hội” - đại diện Kiểm toán nhà nước cho hay.
Đồng thời, cũng từ năm 1996, Kiểm toán nhà nước bắt đầu thực hiện kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước để cung cấp thông tin tin cậy cho các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Kinh tế và Ngân sách dẫu rằng thời điểm đó, kiểm toán còn rất sơ khai. Liên tục từ đó đến nay, năm nào, Kiểm toán nhà nước cũng kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước để phục vụ cho việc phê chuẩn quyết toán ngân sách của Quốc hội.
Khi Luật Kiểm toán nhà nước 2005 ra đời, Kiểm toán nhà nước được giao thêm nhiệm vụ trình ý kiến của Kiểm toán nhà nước về dự toán ngân sách nhà nước để Quốc hội có thêm căn cứ xem xét, quyết định dự toán. Với việc luật định như vậy, sự đồng hành, gắn bó giữa Kiểm toán nhà nước với Quốc hội càng chặt chẽ hơn và Kiểm toán nhà nước cũng trưởng thành, lớn mạnh hơn, đủ nhân lực hơn để đáp ứng yêu cầu.
Hoạt động ký Quy chế phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh |
Còn đối với hội đồng nhân dân, Kiểm toán nhà nước cũng luôn gần gũi, kiểm toán quyết toán ngân sách để phục vụ hội đồng nhân dân quyết định dự toán và xem xét, phê chuẩn quyết toán. Sau này, nhiều hội đồng nhân dân đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán để phục vụ việc phê chuẩn quyết toán cũng như phục vụ việc giám sát ngân sách của địa phương.
Một đóng góp rất quan trọng của Kiểm toán nhà nước là thường xuyên cử cán bộ phổ biến, tập huấn cho đại biểu hội đồng nhân dân, thậm chí đoàn đại biểu Quốc hội cũng tham gia các cuộc tập huấn về kinh nghiệm sử dụng kết quả kiểm toán, về các luật và kỹ năng giám sát tài chính ngân sách để góp phần nâng cao năng lực cho các cơ quan dân cử.
Tạo điều kiện để Kiểm toán nhà nước phát huy vai trò thực thi nhiệm vụ
Ở chiều ngược lại, Quốc hội cũng quan tâm đến cơ quan kiểm toán, tức là luôn đồng hành, chia sẻ với Kiểm toán nhà nước. Năm 1996, khi cho ý kiến về Luật Ngân sách nhà nước, Quốc hội đã khẳng định tại Điều 73: “Kiểm toán nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ”. Mặc dù đây là Luật về ngân sách nhà nước nhưng lại quy định địa vị pháp lý của cơ quan kiểm toán và mặc dù quy định Kiểm toán nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ nhưng từ đó trở đi, hoạt động của Kiểm toán nhà nước lại gần gũi với Quốc hội.
Thực tế cho thấy, trong 30 năm qua, khi Quốc hội xem xét các luật, các nghị quyết liên quan đến kinh tế, tài chính, ngân sách, như Luật Kế toán, Luật Hải quan, Các luật thuế, Luật Thống kê, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai, tài nguyên khoáng sản, Luật Quản lý nợ công... hay khi Quốc hội chuẩn bị ban hành nghị quyết liên quan đến chính sách phục hồi, phát triển kinh tế, Kiểm toán nhà nước luôn được mời tham gia ý kiến và ý kiến của Kiểm toán nhà nước cũng là một trong những căn cứ rất quan trọng. Đây là sự đồng hành của Kiểm toán nhà nước với Quốc hội, một sự đồng hành liên tục, chặt chẽ, gắn bó.
Mặt khác, khi Quốc hội thảo luận về những chính sách cụ thể đối với một số lĩnh vực, một số vấn đề đặc thù của địa phương, Kiểm toán nhà nước cũng được mời tham gia ý kiến. Ngoài ra, trong các hoạt động để phục vụ cho Quốc hội như các nghiên cứu khoa học, các hội thảo khoa học của các Ủy ban, các tọa đàm khoa học, Kiểm toán nhà nước luôn luôn được mời và có những diễn giả, nhà khoa học tham gia để có thêm căn cứ giúp Quốc hội làm sáng tỏ nhiều vấn đề về kinh tế, tài chính.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời tại Quốc hội |
Thời gian gần đây, Kiểm toán nhà nước đã cử cán bộ tham gia các đoàn giám sát của các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội cũng như tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội liên quan đến tài kinh tế, tài chính, ngân sách để đưa ra ý kiến giám sát tốt nhất, đánh giá chuẩn xác về tình hình kinh tế, tài chính đối với vấn đề cần giám sát.
Trong 30 năm qua, Kiểm toán nhà nước cũng nhận được sự quan tâm của Quốc hội. Những luật liên quan đến hoạt động kiểm toán đều được Quốc hội xem xét, bổ sung để Kiểm toán nhà nước thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình và đồng hành với Quốc hội. Chẳng hạn, Luật Kế toán, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý tài sản công, thậm chí gần đây nhất là Luật Bảo vệ môi trường đều quy định trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước. Việc quy định trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước tại các luật chuyên ngành tạo điều kiện để Kiểm toán nhà nước phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó phục vụ Quốc hội tốt hơn.
Theo TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II, có thể thấy, trong 30 năm qua, địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước đã nhiều lần có sự thay đổi, từ địa vị là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ, sau này là cơ quan thuộc Chính phủ, rồi cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập và đến năm 2013 là cơ quan hiến định. Dù địa vị pháp lý như thế nào thì Kiểm toán nhà nước cũng luôn luôn gắn bó, gần gũi và đồng hành với các hoạt động của Quốc hội và hội đồng nhân dân trên các giác độ, từ tham vấn ý kiến về chính sách, tham gia vào các luật đến kiểm toán và cung cấp ý kiến để phê chuẩn quyết toán, báo cáo về tình hình quản lý tài chính quốc gia, cũng như việc tham gia ý kiến về dự toán ngân sách và các chính sách quan trọng liên quan đến kinh tế, tài chính ngân sách mà Quốc hội quyết định.