Kiểm soát hóa chất độc hại cần sự vào cuộc của lực lượng chức năng địa phương
Vẫn còn vi phạm
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Quốc hội nêu cụ thể việc tăng cường quản lý hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm. Trước đó, đoàn liên ngành của Bộ Công Thương đã thí điểm kiểm tra 64 hộ cá thể/doanh nghiệp kinh doanh hóa chất trên địa bàn Hà Nội, phát hiện các cửa hàng hầu hết chưa đảm bảo yêu cầu về lưu trữ hóa chất và phòng cháy chữa cháy; vẫn còn hiện tượng hóa chất được san chiết không đúng quy định tại cửa hàng; nhiều hóa chất không có nhãn mác, nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, nội dung nhãn mác chưa đầy đủ.
Tập trung các giải pháp siết chặt quản lý kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ |
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tiến hành đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh hoá chất, cồn công nghiệp và methanol trên địa bàn; tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất và nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc lạm dụng hóa chất, cồn công nghiệp và methanol, các chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến trong bảo quản, chế biến thực phẩm không được phép sử dụng. Tăng cường công tác quản lý địa bàn; tăng cường trinh sát, đề xuất kiểm tra đột xuất đối với các đối tượng có dấu hiệu sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp và methanol trong bảo quản, chế biến thực phẩm, đặc biệt là pha chế rượu bằng cồn công nghiệp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra trên địa bàn.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, từ năm 2017 đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra trên 10.600 vụ việc về kinh doanh hoá chất, cồn công nghiệp, methanol; phát hiện, xử lý trên 5.200 vụ; xử phạt trên 16,5 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa là rượu nhập lậu; không tập huấn kỹ thuật an toàn hóa chất; không công bố tiêu chuẩn sản phẩm áp dụng; không xây dựng biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất; không có phiếu kiểm soát mua bán hoá chất độc hại theo quy định.
Siết chặt quản lý kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ
Nói về thực trạng khó khăn trong quản lý kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) chỉ ra, hiện tại số lượng chủng loại hoá chất rất đa dạng, hầu hết các hoá chất đều mang tính lưỡng dụng. Nhiều hoá chất không được sử dụng trong thực phẩm nhưng lại cần thiết trong lĩnh vực công nghiệp cần có quy định đảm bảo hoá chất được sử dụng đúng mục đích. Luật Hoá chất quy định đối với hoạt động sử dụng hoá chất bao gồm các quy định, điều kiện mà người sử dụng hoá chất phải tuân thủ nhưng không quy định hoạt động sử dụng hoá chất nguy hiểm phải có giấy phép, giấy chứng nhận hay sự chấp thuận của cơ quan quản lý. “Để xác định việc lạm dụng hóa chất trong bảo quản, chế biến thực phẩm phải căn cứ vào kết quả thử nghiệm, kiểm định trong khi đó phần lớn các vụ vi phạm nhỏ, lẻ, số lượng tang vật vi phạm ít, chi phí thử nghiệm cao và mất nhiều thời gian, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính”- Cục Hóa chất nêu rõ.
Nhằm siết chặt quản lý kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ, Cục Hóa chất cũng đề xuất, tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt ở cấp địa phương trong công tác thanh kiểm tra việc tuân thủ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý. Tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời, tập trung quy hoạch các khu vực kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ tại các khu đô thị nhằm tăng cường quản lý và đáp ứng được các quy định về an toàn hóa chất. Cụ thể, với một số hộ kinh doanh vẫn có hành vi sang chiết tại cửa hàng, cơ sở kinh doanh thì trong quy định mới sẽ thắt chặt hơn. Trước đây đã có quy định nhưng nhiều hộ kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu và không tuân thủ. Sắp tới đây, chúng tôi tiếp tục phổ biến một lần nữa về nghĩa vụ phải thực hiện theo quy định một cách quy củ hơn
Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan, chắc chắn trong thời gian tới, hoạt động quản lý kinh doanh hóa chất sẽ có nhiều bước chuyển biến tích cực hơn.