Kiểm soát chặt tour 0 đồng
Khách Trung Quốc đến Việt Nam theo tour 0 đồng tăng cao |
Theo Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) và Hàn Quốc chiếm xấp xỉ 50% tổng thị phần khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, cùng với Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc… là những điểm đến mới có sức hút đặc biệt, khách quốc tế đến chủ yếu qua các chuyến bay trọn gói.
Tuy nhiên, đi cùng với việc bùng nổ về lượng khách, đã xuất hiện tình trạng có không ít khách đi theo tour giá rẻ, thậm chí tour 0 đồng, khiến cho chính quyền địa phương, các nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) quan ngại về chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến và thất thu thuế. Điển hình mới đây, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) lượng khách du lịch Trung Quốc tăng đột biến, có ngày hơn 1.500 lượt làm thủ tục nhập cảnh, trong đó, có hơn 90% lượt người đi tham quan du lịch.
Khách du lịch Trung Quốc sau khi làm thủ tục nhập cảnh sẽ được các công ty du lịch săn đón, đưa đi mua sắm tại các điểm bán dành riêng cho du khách với giá “cắt cổ” hoặc bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến theo kế hoạch để bù lại phần chi phí đầu vào. Điều đáng nói là nhiều công ty đã bất chấp thủ đoạn để cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá tour, thậm chí chịu bù lỗ để đón khách, sau đó đưa khách vào đường dây kinh doanh mà họ lập sẵn.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Marketing Công ty TST tourist - cho rằng, tour 0 đồng nếu tạo sức cạnh tranh trong chính sách thu hút khách du lịch đến Việt Nam thông qua mặt bằng giá so với các nước trong khu vực là điều cần khuyến khích. Tuy nhiên, với kiểu kinh doanh chụp giật, nằm trong sự thao túng của các doanh nghiệp như thời gian qua đã khiến du lịch Việt Nam trở nên đắt đỏ, xô bồ. Vì vậy, cần cơ chế quản lý chặt và ngăn chặn sớm, ngay khi chỉ là hiện tượng.
Theo phân tích của ông Lê Vàng - Vụ Thị trường - tour giá rẻ là khách du lịch mua sản phẩm du lịch gồm chi phí đi lại, phí visa, dịch vụ khách sạn và chương trình du lịch với mức giá thấp hơn nhiều chi phí thực tế mà DN phải chi trả. Đối với DN du lịch, tour giá rẻ là tour có ít lãi, giá thấp đến mức độ nào đó sẽ trở thành tour 0 đồng hay tour không có lãi, hay “tour lãi âm”. Thông qua các hình thức như đưa khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến là cách để các DN bù lại phần chi phí đầu vào. Tour giá rẻ vẫn tạo việc làm cho người dân và nguồn thu trực tiếp cho chính quyền, DN địa phương, nhất là Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển du lịch đại chúng.
Đại diện Vụ Thị trường khẳng định, tour giá rẻ hay tour 0 đồng chính là hiện tượng phát triển tất yếu của thị trường, nhưng do có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, làm loạn thị trường du lịch nên các quốc gia đều đã cố gắng kiểm soát, chấn chỉnh thị trường.
Trước những biến tướng của tour 0 đồng tại Việt Nam, đại diện Vụ Thị trường đề xuất, cần quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại khách cho hướng dẫn viên, nếu bị phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế. Với điểm mua sắm, cần gắn biển đạt chuẩn, bảo đảm khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Thành lập đội phản ứng nhanh với số điện thoại đường dây nóng cho các ngôn ngữ Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản, Nga. Cần thay đổi quan điểm nhìn nhận từ người dân đến các cấp, ngành đối với bản chất vận động của thị trường và thái độ ứng xử với khách.
Trước tình hình kinh doanh tour 0 đồng làm ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 3266 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) yêu cầu kiểm tra sự việc báo chí nêu, và chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời tình trạng này. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm chấn chỉnh hình thức kinh doanh du lịch tour 0 đồng, bảo vệ hình ảnh, uy tín của du lịch Việt Nam; báo cáo Thủ tướng trong quý II năm 2017. |