Khuyến công giúp nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất |
Từ năm 2014 - 2017 khuyến công Cao Bằng đã được giao 3,77 tỷ đồng kinh phí khuyến công cho triển khai 33 đề án thuộc các nội dung như: Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật…
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Cao Bằng, chất lượng đề án khuyến công ngày một được cải thiện, giúp nhiều cơ sở CNNT đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa làm thay đổi bộ mặt kinh tế vùng nông thôn.
Tuy nhiên, trên thực tế, so với các tỉnh miền núi phía Bắc nguồn vốn khuyến công được giao của Cao Bằng khá eo hẹp, dẫn tới nhiều nội dung của chương trình khuyến công chưa được triển khai. Hầu hết các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và cực nhỏ, vốn tích lũy quá thấp, việc tiếp cận thị trường vốn và công nghệ hạn chế cũng khiến việc tìm kiếm đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng rất khó khăn.
Hơn nữa, một số địa phương có nghề truyền thống nhưng lại phân bố ở những địa bàn đặc biệt khó khăn như huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông, Hạ Lang… cũng khiến việc tiếp cận cơ sở cũng như công tác tuyên truyền cho bà con tham gia và thụ hưởng chính sách khuyến công gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, một vài địa phương cấp huyện chưa thực sự quan tâm đến hoạt động khuyến công nên số lượng đề án đăng ký ít, nội dung không cụ thể; doanh nghiệp chưa chủ động lập đề án hỗ trợ.
Những trở ngại trên khiến công tác khuyến công của Cao Bằng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nội dung triển khai chưa đa dạng và chưa tạo được sức hút, lan tỏa cho công tác khuyến công.
Để khắc phục những khó khăn trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác khuyến công phát huy hiệu quả, Sở Công Thương Cao Bằng đã xây dựng một số giải pháp. Theo đó, với vai trò là đơn vị trực tiếp triển khai Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh bám sát các văn bản hướng dẫn về quản lý khuyến công để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế. Nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện đề án khuyến công. Tỉnh sẽ ưu tiên dành nguồn vốn khuyến công hỗ trợ cho các cơ sở thuộc nhóm ngành chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu không nung, gia công cơ khí, ngành nghề truyền thống, nghề mới của các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác thông tin truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác khuyến công; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác khuyến công. Tỉnh cũng vận động doanh nghiệp có năng lực thực hiện các giải pháp khoa học và công nghệ như: Đổi mới dây chuyền công nghệ, thay thế công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa một cách hiệu quả các giải pháp trên, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về từ nguồn vốn khuyến công quốc gia cho các đề án lớn. Các cấp, các ngành khác của tỉnh cũng cần quan tâm nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Vay vốn, lãi suất vốn vay, hỗ trợ dịch vụ hành chính… Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ cho cơ sở thực hiện đề án ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất trong các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng cho chính sách khuyến công.
Cùng với việc tăng nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác khuyến công, Sở Công Thương Cao Bằng đề xuất, các đơn vị chức năng liên quan nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu tiên hỗ trợ về vốn, lãi suất vốn vay cho các cơ sở CNNT, nhất là các cơ sở ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. |