Không để tín dụng đen “bủa vây” công nhân lao động
Thời gian qua, lợi dụng khó khăn về tài chính của công nhân lao động (CNLĐ) cả nước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, nạn cho vay nặng lãi hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như: Dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn... Hoạt động “tín dụng đen” biến tướng dưới mọi hình thức như: Khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao. Đó là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, trong đó có CNLĐ. Đặc biệt, các đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”, còn có thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ CNLĐ.
Tuyên truyền rộng rãi gói vay 20.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước tới công nhân, lao động |
Để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, CNLĐ, bảo vệ cán bộ công đoàn, giúp yên tâm lao động sản xuất, công tác, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Mới đây, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu có văn bản gửi các cấp công đoàn về việc tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn nạn “tín dụng đen” trong CNLĐ; tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để CNLĐ biết, cảnh giác và tố giác; không để “tín dụng đen” tiếp cận CNLĐ.
Với những công đoàn cơ sở (CĐCS) có đông CNLĐ, ở những địa bàn có nhiều hoạt động “tín dụng đen”, công đoàn cần phối hợp với chuyên môn tổ chức những buổi tuyên truyền riêng về chủ đề này, giúp CNLĐ hiểu cặn kẽ về sự nguy hiểm của nạn “tín dụng đen” để chủ động phòng ngừa.
Cùng với đó, tăng cường triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, CNLĐ như tiền lương, thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ, có chính sách hỗ trợ đoàn viên, CNLĐ nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn như: Trao “Mái ấm công đoàn”, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ vay vốn ở những kênh chính thống với lãi suất hợp lý.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng lưu ý các cấp công đoàn, phổ biến rộng rãi tới CNLĐ về gói vay 20.000 tỷ đồng, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ CNLĐ. Các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở cần tìm hiểu kỹ về gói vay và kết nối đầu mối cho vay giúp CNLĐ, để họ không phải tìm đến “tín dụng đen”. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an địa phương rà soát, lên danh sách các nhóm đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, từ đó có biện pháp bảo vệ cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ, ngăn ngừa tội phạm manh động, không để chúng thâm nhập CNLĐ. Đồng thời, chủ động triển khai công tác phối hợp phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm “tín dụng đen” với công an địa phương để có giải pháp cụ thể trong việc công đoàn tham gia phòng, chống tội phạm và được bảo vệ khi có nguy cơ bị tội phạm tấn công.
Lãnh đạo Tổng Liên đoàn cũng đề nghị các cấp công đoàn sâu sát trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ; chủ động hỗ trợ, giúp đỡ những người đang thực sự khó khăn về tài chính. Trường hợp CNLĐ gặp khó khăn đột xuất, công đoàn cơ sở cần đề nghị doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hoặc đứng ra giới thiệu và bảo lãnh cho CNLĐ vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp.
“Ở những nơi có “tín dụng đen” hoạt động, công đoàn cơ sở cần phối hợp với chuyên môn xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ CNLĐ và báo cáo lên công đoàn cấp trên để được hỗ trợ” - Tổng Liên đoàn lưu ý.
Tổng LĐLĐ Việt Nam: Cán bộ công đoàn cơ sở cần thiết lập kênh thông tin chặt chẽ với công an địa phương để được phối hợp, hỗ trợ kịp thời khi có nguy cơ bị tội phạm “tín dụng đen” tấn công. |