Khởi động Dự án quản lý cảnh quan bền vững tại Lâm Đồng và Đắk Nông
Ngày 3/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và các đối tác tổ chức khởi động dự án “Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông”.
Được thực hiện trong 4 năm từ 2022 tới 2026, tại các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, Dự án hướng đến mục tiêu tới năm 2026, cải thiện sinh kế cho 35% dân số trong 2 tỉnh, đặc biệt là người dân tộc ít người và phụ nữ... |
Cũng như nhiều nơi trên thế giới, rừng tự nhiên ở Việt Nam đang phải đối mặt với nghịch lý: một mặt, được công nhận là nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ vô giá, duy trì sinh kế của hàng triệu người và hỗ trợ các dịch vụ môi trường sinh thái quan trọng cho con người như khí hậu và đa dạng sinh học. Mặt khác, cộng đồng người dân sống phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên rừng tự nhiên và đóng vai trò chính trong việc bảo vệ rừng thường là những người nghèo nhất và có ít cơ hội kinh tế hơn so với phần còn lại của cộng đồng dân cư ở nông thôn và thành thị.
Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên đã và đang đối mặt với tình trạng mất rừng tự nhiên do chuyển sang rừng trồng và chuyển đổi sang canh tác cây công nghiệp để phục vụ sinh kế của người dân sống gần rừng. Cụ thể, từ năm 2005-2020, diện tích rừng tự nhiên của Tây Nguyên đã giảm từ khoảng 2,83 triệu ha xuống còn 2,18 triệu ha, trong khi diện tích trồng cà phê mở rộng từ 449.400 ha lên 577.119 ha, diện tích trồng cao su tăng từ 86.892 ha lên hơn 259.200 ha, và diện tích trồng cây lấy gỗ tăng từ 144.420 ha lên 368.734 ha.
Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái đất nông nghiệp do ô nhiễm hóa học, khô hạn và xói mòn đất cũng rất nghiêm trọng. Theo đó, Tây Nguyên chiếm 22% lượng khí thải tự nhiên của cả nước trong lĩnh vực sử dụng đất. Mỗi năm, khoảng 6,8 triệu tấn khí CO2 từ các nông trại cà phê Tây Nguyên thải ra môi trường từ phân bón, các chất dư thừa và sử dụng nhiên liệu.
Để chuyển đổi theo hướng cảnh quan bền vững không mất rừng, Dự án “Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông” được xây dựng và thí điểm cách tiếp cận tích hợp trên hệ sinh thái rừng, tạo nguồn thu từ rừng, nhằm giữ người nông dân ở lại mảnh đất của mình và tăng thu nhập của họ một cách bền vững, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng.
Ông Jesus Lavina, Tham tán thứ nhất, Phó Trưởng ban hợp tác của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Với ba mục tiêu cụ thể của dự án gồm: Tăng cường hệ sinh thái rừng; cải thiện sinh kế; sản xuất lương thực bền vững đều rất phù hợp với khu vực Tây Nguyên cũng như phù hợp với các chính sách và chiến lược của cả Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu. Nỗ lực chung của hai bên (Việt Nam và EU) trong việc giải quyết nạn phá rừng và suy thoái rừng sẽ mang lại tác động tích cực cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương nhất, những người sống chủ yếu dựa vào hệ sinh thái rừng”.
Về phần mình, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: “Dự án được thiết kế áp dụng cách tiếp cận không gây mất rừng, đây được đánh giá là một cách tiếp cận tổng hợp nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là cách tiếp cận sáng tạo đã được thế giới công nhận”.
Dự án được Chính phủ Việt Nam đánh giá là sáng kiến quan trọng và phù hợp nhằm đóng góp trực tiếp và thúc đẩy việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững, các chiến lược và cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, bảo vệ rừng, phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng.
Được thực hiện trong 4 năm từ 2022 tới 2026, tại các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, Dự án hướng đến mục tiêu tới năm 2026, 25.000 ha rừng tự nhiên sẽ được bảo vệ, giảm lượng phát thải tương đương khoảng 3 triệu tấn CO2. Đồng thời, cải thiện sinh kế cho 35% dân số trong 2 tỉnh, đặc biệt là người dân tộc ít người và phụ nữ; và nâng cao tính bền vững trong sản xuất với mục tiêu các hàng hóa chính tăng 25% giá trị. Các kết quả của dự án sẽ được nhân rộng và lồng ghép vào các chiến lược, chính sách phát triển của Việt Nam.
Tổng ngân sách của dự án là 5 triệu Euro, do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua UNDP tại Việt Nam. Tổng cục Lâm nghiệp cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đắk Nông và Lâm Đông là chủ dự án. Ngoài ra, 4 tổ chức quốc tế cung cấp hỗ trợ kĩ thuật thêm cho dự án là Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), Viện Lâm nghiệp châu Âu (EFI), Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP).
UNDP có văn phòng tại hơn 170 quốc gia và lãnh thổ. UNDP hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách, kỹ năng lãnh đạo, tăng cường và mở rộng quan hệ đối tác, năng lực thể chế và xây dựng khả năng chống chịu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.