Khoảng 60 - 70% HTX chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid- 19
Báo cáo nêu rõ, do dịch bệnh Covid- 19 nên thị trường của một số sản phẩm mà các HTX đang cung cấp bị hạn chế, như trái cây, nguyên liệu dược liệu, nguyên liệu và đồ gỗ xuất khẩu đi Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là các nước châu Âu, Mỹ. Trong nước, do nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học, siêu thị tạm thời đóng cửa khiến nhu cầu các mặt hàng rau, quả tươi, cá nước ngọt cũng suy giảm, sản phẩm gia cầm cũng tiêu thụ khó khăn do hạn chế đi lại, vận chuyển giữa các tỉnh nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc và tỉnh Trung du và đồng bằng sông Hồng. Một số nguồn nhập khẩu cá giống, thức ăn nuôi cá, vật tư xây dựng nhà kính cũng bị hạn chế.
Khoảng 60 đến 70% HTX chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid- 19 |
Hiện có khoảng 60 - 70% số các HTX nông nghiệp chịu tác động của dịch Covid- 19 và trước đó là dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, mưa đá, hạn mặn... đối với sản xuất kinh doanh ở các mức độ khác nhau. Trong đó, nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất chiếm 30% trong tổng số hơn 15 nghìn HTX nông nghiệp là các HTX thuộc lĩnh vực trồng trọt chuyên sản xuất rau củ quả, HTX chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Sản lượng thực phẩm cung ứng của các HTX này giảm từ 30 - 50% trong 2 tháng qua. Giá bán các sản phẩm này cũng giảm khoảng 20%, cá biệt giảm đến 50% (cá trắm, cá chép, cá diêu hồng và một số loại cá khác phục vụ cho các sự kiện đám cưới, nhà hàng). Các HTX chăn nuôi gia cầm có sản lượng bán ra thấp hơn năm trước 40%, giá bán giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, một số loại cá giống nhập khẩu từ nước ngoài đã tăng giá khoảng 10% so với năm trước làm tăng chi phí sản xuất của các thành viên và HTX gây thêm khó khăn cho các HTX nông nghiệp.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX do dịch bệnh Covid- 19 gây ra, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ nông dân, HTX duy trì sản xuất trong vụ hè thu từ tháng 4 - 7/2020. Cụ thể, hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và HTX nông nghiệp sản xuất một số nông sản chủ lực như lúa, rau màu, thủy sản (tôm, cá tra) trên diện tích sản xuất ước tính 1,5 triệu ha lúa, 300 ngàn ha rau màu và 250 ngàn ha nuôi trồng thuỷ sản. Định mức hỗ trợ cụ thể sẽ do Bộ NN&PTNT đề xuất.
Bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục vùng sản xuất, vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh khoảng 150 tỷ đồng (1.500 HTX, mỗi HTX khoảng 100 triệu đồng).
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất hỗ trợ tín dụng cho các HTX nông nghiệp. Cụ thể, các HTX nông nghiệp đang vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại các tổ chức tín dụng được khoanh nợ, giãn nợ từ 6 tháng - 1 năm và hỗ trợ lãi suất (lãi suất mặt bằng 0%) trong thời gian gia hạn. Bố trí gói tín dụng trung hạn, lãi suất thấp, gói vay trong 2 - 3 năm với mức lãi suất bằng 1/2 lãi suất thương mại để cho khoảng 5.000 HTX nông nghiệp (bình quân 1 tỷ đồng/HTX) vay đầu tư xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản tái cấu trúc sản xuất, mua cây, con giống, tái đàn, mở rộng sản xuất ngay khi hết dịch.
Hỗ trợ chi phí bảo quản kho hàng hoá, nông sản cho các HTX gặp khó khăn do tiêu thụ sản phẩm trong năm 2020. Giảm 50% tiền thuê đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép HTX nông nghiệp chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất năm 2019 và năm 2020 đến hết 2021. Đồng thời, có chính sách miễn, giảm hoặc khoanh nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các cán bộ quản lý HTX bị ảnh hưởng của dịch Covid- 19.