Khó khăn thu hồi nợ thuế
Nhiều bất cập dẫn đến việc thu hồi nợ thuế gặp khó khăn
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối tháng 6/2015 đã thu được 8.857 tỷ đồng tiền nợ thuế. Trong đó, nợ thuế năm 2014 chuyển sang là 5.230 tỷ đồng, nợ thuế phát sinh trong năm 2015: 3.627 tỷ đồng. Dù rất tích cực trong công tác thu hồi nợ thuế nhưng tổng số nợ thuế vẫn còn 22.939 tỷ đồng, tăng gần 17,6% so với thời điểm ngày 31/12/2014,
Phân tích nguyên nhân nợ thuế tăng cao, theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, do sản xuất- kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn. Số DN nộp hồ sơ ngưng kinh doanh, bỏ trốn hoặc lâm vào tình trạng thua lỗ ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, không ít DN bất động sản không có khả năng nộp các khoản truy thu thuế và phạt dẫn đến việc thu nợ thuế gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, các DN có tiền thuế nợ lớn, kéo dài đa số là DN thuộc diện bị truy thu và phạt về thuế. Đặc biệt, khi thực hiện biện pháp kê biên tài sản của DN thì hầu hết tài sản đã thuộc giao dịch đảm bảo (thế chấp) hoặc có giá trị tài sản không lớn, thậm chí không có tài sản hay tiền mặt trong tài khoản ngân hàng đủ để cưỡng chế. Đáng lo ngại, một số DN có nợ thuế bị truy thu với số tiền thuế lớn không có khả năng thanh toán thì ngay lập tức bỏ khỏi địa điểm kinh doanh sau đó thành lập một công ty khác.
Ngoài khó khăn từ phía DN, việc thực hiện các cơ chế, chính sách về cưỡng chế nợ thuế còn nhiều vướng mắc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thu nợ. Cụ thể: Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế, theo quy định tại Thông tư 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 thì cấp phó chỉ được giao quyền ban hành quyết định cưỡng chế khi cấp trưởng vắng mặt. Theo Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh, trên thực tế, Cục có đối tượng nợ thuế rất lớn, số lượng ban hành quyết định cưỡng chế nhiều nên quy định này gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện cưỡng chế nợ thuế của đơn vị.
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần kết hợp với các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống tài khoản của đối tượng nộp thuế để phục vụ cho công tác cưỡng chế nợ thuế. |
Cũng theo quy định tại Thông tư 215/2013/TT-BTC, việc quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng phải được ban hành ngay trong ngày thứ 91 kể từ ngày số tiền thuế, tiền phạt hết thời hạn nộp… Quy định này gây khó khăn cho Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vì đối tượng cưỡng chế nhiều trong khi nhân sự làm công tác cưỡng chế tại đơn vị lại có giới hạn.
Bên cạnh các vướng mắc trên, hiện sự phối hợp trong công tác quản lý nợ giữa cơ quan thuế và các ngành như tài chính, kho bạc, ngân hàng, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong một số trường hợp còn gặp khó khăn. Số lượng người nộp thuế ngày càng tăng trong khi công chức thuộc đội quản lý nợ còn thiếu, khả năng khai thác dữ liệu trên các ứng dụng còn yếu... cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả của công tác quản lý và đốc thu nợ thuế.