Khai thác giá trị di sản Thành nhà Hồ: Không thể nóng vội
Hiện Thành nhà Hồ không đặt mục tiêu doanh thu từ du lịch
- Sau 3 năm trở thành di sản văn hóa thế giới, Thành nhà Hồ đã phát huy hiệu quả giá trị di sản như thế nào, thưa ông?
|
Năm 2011, tỉnh Thanh Hóa đã cam kết 10 điểm trong quản lý di sản với UNESCO. Tuy nhiên, việc thực hiện quy hoạch quản lý mới chỉ phát huy hiệu quả ở công tác nghiên cứu, bảo tồn. Còn phát triển du lịch, định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ cho người dân trong khu vực di sản chưa hiệu quả. Do Thanh Hóa là tỉnh có nhiều di tích trải dài trên diện rộng, nhưng cơ chế, chính sách, kinh phí chưa cụ thể và Quy hoạch tổng thể của Thành nhà Hồ chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Hiện TTBTDS Thành nhà Hồ chỉ tập trung nghiên cứu, khai quật di tích lòng đất để lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu; rà soát lại các giá trị phi vật thể, di tích vùng phụ cận trên 5.000 hecta để xây dựng hồ sơ khoa học khảo cổ cho di sản; xây dựng bản đồ số phục vụ quản lý di sản tốt hơn.
Năm Du lịch quốc gia 2015, di tích Thành nhà Hồ có đặt mục tiêu doanh thu du lịch cụ thể không?
Thành nhà Hồ về mặt giá trị được thế giới công nhận, nhưng việc đầu tư cho du lịch còn thiếu đồng bộ, nên không đặt mục tiêu doanh thu từ du lịch trong giai đoạn hiện nay. Thực tế, phí tham quan thu từ du khách hiện chỉ mang tính tượng trưng với mức 10.000đồng/người. Đây là con số chênh lệch lớn so với các di sản khác và nguồn thu này chủ yếu phục vụ cho lao động trực tiếp của di sản. Hiện tại chúng tôi đang chú trọng, nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng. Bởi thách thức của Thành nhà Hồ là cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ còn yếu, nếu tuyên truyền rộng quá, trong khi chưa chuẩn hạ tầng tốt vô hình chung gây thất vọng cho du khách. Mặt khác, để đón du khách quanh năm, chúng tôi đang khuyến khích người dân trong vùng mở rộng kinh doanh vận chuyển xe trâu, xe bò, xe điện, biểu diễn tuồng, chèo, bán thêm nhiều đặc sản vùng miền.
Hiện TTBTDS Thành nhà Hồ chỉ tập trung nghiên cứu, khai quật di tích lòng đất để lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu; rà soát lại các giá trị phi vật thể, di tích vùng phụ cận trên 5.000 hecta; xây dựng bản đồ số phục vụ quản lý di sản… |
TTBTDS có kế hoạch liên kết với doanh nghiệp, địa phương khác để từng bước thu hút du khách, phát triển du lịch như Cố đô Huế hay Mỹ Sơn?
Trước mắt, Thanh Hóa chỉ xây dựng một số tuyến trọng điểm, như: tuyến Sầm Sơn- Thành nhà Hồ và Cẩm Sơn- suối cá Cẩm Lương; tuyến đường 27 với đền Bà Triệu, di tích dòng họ Trịnh với Thành nhà Hồ và suối cá Cẩm Lương; tuyến di tích Thành nhà Hồ với các di tích nằm trong vùng phụ cận di sản 5.000 hecta. Còn liên kết địa phương, có kết nối tuyến du lịch Thành nhà Hồ với Quảng Ninh, Hải Dương, Ninh Bình thì phải theo định kỳ, kế hoạch.
Thành nhà Hồ về loại hình di sản cũng giống Mỹ Sơn, Cố đô Huế, tuy nhiên để phát triển được như thế hiện chỉ là ước mơ. Chúng tôi xác định không thể nóng vội. Trước mắt, sẽ tập trung bảo tồn, nghiên cứu khảo cổ một cách tốt nhất cho Thành nhà Hồ. Ngoài ra, do TTBTDS Thành nhà Hồ mới thành lập, nhân lực ít và đa số là trẻ, vì vậy chúng tôi đang đẩy mạnh nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đáp ứng được yêu cầu của UNESCO.
Xin cảm ơn ông!
Hoa Quỳnh (thực hiện)