Khai thác giá trị di sản gắn với du lịch: Ưu tiên bảo tồn di sản
Khai thác du lịch cần gắn với việc bảo tồn di sản |
Nhiều quan ngại
Việt Nam may mắn sở hữu nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới. Đây được coi là lợi thế để khai thác, phát triển sản phẩm du lịch, gia tăng cạnh tranh của điểm đến. Mặt khác, sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cần có giải pháp quản lý tổng thể nhằm tránh sự tự phát hay phát triển quá mức, có thể dẫn tới nguy cơ di sản bị tước danh hiệu.
Mới đây, công trình xây dựng lên núi Cái Hạ trong lõi Di sản văn hóa, thiên nhiên quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Binh) được dư luận hết sức quan tâm. Về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng, do kiến thức, nhận thức, nhu cầu kinh doanh làm cho nhiều người không hiểu hết giá trị của di sản, hướng dẫn của nhà nước trong bảo tồn nên để xảy ra sai phạm đáng tiếc. Đại diện doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Tổng giám đốc Công ty TransViet - cho hay, sai phạm này mang tính chất thương mại, khai thác du lịch nhưng đặt yếu tố kinh doanh lên trên yếu tố quy hoạch bảo tồn di sản. Nếu làm đúng, phải có đệ trình, đánh giá tác động và có hội đồng khoa học vào cuộc, xem xét một cách nghiêm ngặt.
Được biết, thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhanh chóng vào cuộc, kiến nghị giải pháp xử lý và đề nghị địa phương sớm thực hiện. Cụ thể, yêu cầu đình chỉ hoạt động dịch vụ, du lịch chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật hiện hành; xử lý nghiêm minh đối với các hoạt động xây dựng trái phép tại khu vực nêu trên, hoàn trả mặt bằng, cảnh quan môi trường của di sản.
Nâng cao trách nhiệm
Theo ông Vũ Thế Bình, di sản là thế mạnh, tạo điều kiện cho phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Do đó, khai thác di sản phải gắn liền với bảo tồn. “Hành động làm biến dạng, tác động trực tiếp đến di sản đều phải ngăn chặn kịp thời. Bảo vệ, bảo tồn di sản phải là nhiệm vụ bắt buộc của những người kinh doanh du lịch”- ông Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, để không để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” đối với các di sản, theo ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, trước khi khai thác di sản vào hoạt động du lịch cần sự đánh giá tác động, tiềm lực tài chính vận hành sản phẩm của các nhà nghiên cứu một cách khoa học. Đồng thời, phải có quy hoạch khai thác cụ thể bởi rất khó phát triển du lịch mà không tác động đến di sản, quan trọng hài hòa đến đâu. Bên cạnh đó, kiên quyết tháo dỡ công trình, sản phẩm sai phép, để làm gương.
Để phát triển du lịch bền vững tại các khu di sản thiên nhiên, trước hết, xây dựng tầm nhìn và định hướng kế hoạch hành động Công ước 1972 về bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, đồng thời, quy hoạch phát triển phân khúc cơ sở hạ tầng, dịch vụ, xử lý nước thải du lịch… |