Thứ hai 21/04/2025 22:09

Kết quả hợp tác với Ba Lan đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Quy mô kinh tế Việt Nam từ chỗ 'không có tên tuổi' nay đã đạt khoảng 470 tỷ USD, đứng 33-34 thế giới. Kết quả này có sự đóng góp từ quan hệ hợp tác với Ba Lan.

Tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh cho thế giới

Trưa 16/1, trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, sau khi hội đàm, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ báo chí để thông báo về kết quả hội đàm.

Tại họp báo, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết, với quan hệ thân tình giữa hai đất nước như những người bạn, "hai đất nước có nhiều trải nghiệm giống nhau trong quá khứ", cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính là trải nghiệm quý báu với cá nhân ông.

Hai bên đã thảo luận về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, cũng như về các biện pháp để tiếp tục phát huy những điểm chung, thúc đẩy đưa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đất nước tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ báo chí để thông báo về kết quả hội đàm. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Nhấn mạnh Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập những vấn đề quan trọng, những bước đi tiếp theo, Thủ tướng Ba Lan đặc biệt đánh giá cao phía Việt Nam đã quyết định áp dụng miễn thị thực ngắn hạn cho công dân Ba Lan, điều này sẽ giúp ngày càng có nhiều du khách Ba Lan tới thăm Việt Nam.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ Ba Lan khẳng định nước này sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). "Ba Lan sẽ không phải là quốc gia cuối cùng phê chuẩn Hiệp định này" – Thủ tướng Ba Lan nói và cam kết cá nhân ông sẽ tiếp tục chú trọng thúc đẩy quan hệ song phương "càng chặt chẽ càng tốt".

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khẳng định nước này sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh hợp tác kinh tế giữa hai nước có vai trò quan trọng, và Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh cho thế giới với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế. "Chúng tôi hiểu rất rõ điểm xuất phát của Việt Nam sau chiến tranh" - ông chia sẻ.

Thủ tướng Ba Lan tin rằng hợp tác kinh tế giữa hai bên sẽ đạt những tầm cao mới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nâng cao kim ngạch thương mại theo hướng cân bằng hơn, cũng như có thêm nhiều ý tưởng nữa cho đầu tư song phương, đặc biệt là hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng – an ninh.

Một lĩnh vực quan trọng khác được Thủ tướng Ba Lan đề cập là tăng cường hợp tác giữa hai khu vực EU và ASEAN; cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn ủng hộ sự hợp tác này.

Thân tình chia sẻ về việc hai Thủ tướng là những người cùng thế hệ, Thủ tướng Ba Lan cho rằng hai bên có trải nghiệm khác nhau nhưng luôn có những cảm xúc gần gũi và tin rằng điều này sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai.

Ông bày tỏ cảm ơn, rất vui mừng nhận lời mời thăm lại Việt Nam của Thủ tướng Phạm Minh Chính và hy vọng chuyến thăm có thể diễn ra trong năm nay, năm hai nước kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao.

Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 5 tỷ USD

Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoàn toàn tán thành với các chia sẻ của Thủ tướng Donald Tusk; bày tỏ rất vui mừng dẫn đầu đoàn Đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Ba Lan - đất nước những con người vĩ đại như Copernicus, Marie Curie, Chopin, đất nước tươi đẹp với nền văn hóa lâu đời và giàu lòng mến khách; cảm ơn sự đón tiếp trọng thị mà phía Ba Lan đã dành cho đoàn Việt Nam với tình cảm chân thành, tin cậy, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong khó khăn nhưng hai nước Việt Nam, Ba Lan vẫn tìm ra được con đường tốt nhất để đến với nhau, hợp tác và phát triển. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam không bao giờ quên tình cảm, sự ủng hộ quý báu mà Ba Lan dành cho Việt Nam trong suốt 75 năm qua, đặc biệt trong cuộc đấu tranh giành độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước trước đây và xây dựng, bảo vệ đất nước ngày nay. Ba Lan cũng là một trong những nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn dịch COVID-19.

"Dù thế giới có thay đổi, dù tình hình khó khăn hay phức tạp thì giá trị cốt lõi, tình cảm của nhân dân 2 nước, hai dân tộc cũng không thay đổi và không những không thay đổi mà càng sâu sắc, toàn diện, hiệu quả hơn" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Vui mừng được chứng kiến những thành tựu quan trọng của Ba Lan trong thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, quy mô kinh tế Việt Nam từ chỗ "không có tên tuổi trên thế giới" từ những năm trước đổi mới đến năm 2024 đã đạt khoảng 470 tỷ USD, đứng 33-34 thế giới. Trong những thành quả này có sự đóng góp từ quan hệ hợp tác với Ba Lan.

Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ba Lan đang phát triển tích cực trên tất cả cả lĩnh vực. Tin cậy chính trị được củng cố và phát triển; duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, tích cực ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế, đa phương.

Hợp tác thương mại - đầu tư phát triển mạnh mẽ: Ba Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Trung Đông Âu; kim ngạch thương mại hai chiều tăng liên tục, năm 2024 đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng hơn 14% so với năm 2023.

Hợp tác trên các lĩnh vực khác như: quốc phòng an ninh (nhất là đóng tàu), lao động, giáo dục đào tạo, văn hóa và du lịch… tiếp tục phát triển.

"Trong khó khăn, chúng ta vẫn tìm ra được con đường tốt nhất để đến với nhau, hợp tác và phát triển. Việt Nam xác định quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Ba Lan, là một ưu tiên trong tổng thể quan hệ đối ngoại" - Thủ tướng cho biết.

Hai bên thống nhất đánh giá hai nước còn nhiều dư địa để hợp tác mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên; thống nhất về các định hướng, biện pháp thúc đẩy hợp tác hai nước, với 06 nhóm biện pháp trọng tâm.

Theo đó, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, tạo cơ sở vững chắc sớm nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới xứng tầm truyền thống 75 năm; tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao.

Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tháp tùng Thủ tướng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ song phương; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 5 tỷ USD. Xem xét thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế giữa hai nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Ba Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); ủng hộ EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Hai bên cũng thống nhất đổi mới và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng - an ninh. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác về gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc và công nghiệp quốc phòng; chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp phòng chống tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia; đẩy mạnh hợp tác về an ninh mạng; hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Cùng với đó, tăng cường hợp tác giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, nhất là trong những lĩnh vực Ba Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an ninh mạng, địa chất, đóng tàu… Đây là lĩnh vực hợp tác truyền thống và là thế mạnh hai bên cần tiếp tục phát huy.

Về thúc đẩy hợp tác lao động, văn hóa - thể thao - du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đã quyết định sẽ áp dụng miễn thị thực ngắn hạn cho công dân Ba Lan trong khuôn khổ Chương trình kích cầu du lịch Việt Nam trong năm 2025. Ở chiều ngược lại, đề nghị phía Ba Lan tạo thuận lợi trong việc cấp thị thực cho du khách Việt Nam.

Thủ tướng cũng cảm ơn và đề nghị Ba Lan tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt sinh sống và phát triển; nghiên cứu xác định cộng đồng người Việt tại Ba Lan là dân tộc thiểu số của nước này.

Hai bên thống nhất, tăng cường phối hợp chặt chẽ, tham vấn và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế tại các diễn đàn quốc tế, đa phương, đặc biệt là tại Liên hợp quốc. Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng hai bên tăng cường hợp tác cùng nhau và cùng các nước thế giới để góp phần giải quyết các vấn đề toàn dân, toàn diện, toàn cầu trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam cũng đề nghị Ba Lan phát huy vai trò Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng đầu năm 2025, tiếp tục thúc đẩy hợp tác ASEAN - EU, Việt Nam – EU. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Ba Lan đẩy mạnh hợp tác với ASEAN và các quốc gia Đông Nam Á khác.

Về Biển Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ba Lan và EU tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ lập trường, quan điểm của Việt Nam và ASEAN về giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương tháp tùng Thủ tướng và Phu nhân trong chuyến thăm chính thức tại Ba Lan.

Bên cạnh việc tháp tùng Thủ tướng tham dự các hoạt động đối ngoại song phương tại Ba Lan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ, làm việc tiếp xúc song phương với các đối tác.

Nguyên Minh từ Warsaw, Ba Lan
Bài viết cùng chủ đề: Ba Lan

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Hợp nhất 3 tỉnh, tinh giản gần 70% xã, phường

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Không để sáp nhập gây gián đoạn hành chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với các doanh nghiệp TP. Cần Thơ

Tổng Bí thư Tô Lâm: Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người tăng 15.000 USD trong 20 năm tới

Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ mới có bao nhiêu cán bộ dôi dư?

Tổng Bí thư: Sáp nhập tỉnh thành phải là 'hai cộng hai lớn hơn bốn'

Trung tướng Lê Hồng Nam và đoàn công tác tri ân các tấm gương tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh

Tổng Bí thư gặp mặt tri ân cán bộ lão thành cách mạng, gia đình có công miền Nam

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương chi trả lương hưu tháng 5/2025

Thủ tướng: Chậm nhất 19/12 phải khánh thành dự án Cần Thơ - Cà Mau

'Lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa: Bài 5 - Cần một cuộc cách mạng quản lý

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh niên phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo

Nhân sự cấp tỉnh, xã khi sáp nhập sẽ được chỉ định, bổ nhiệm

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Sau 30/6 chính quyền cấp xã đi vào vận hành

Thủ tướng: Các công trình biểu tượng sẽ định vị hình ảnh, thương hiệu Việt Nam

Thủ tướng đề nghị nhân rộng việc đi máy bay không cần mang giấy tờ

Khởi công Dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ của Vingroup

Thủ tướng dự lễ khánh thành Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Bình Thuận khánh thành 2 dự án giao thông chiến lược

Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương nhân Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 - 20/4/2025)