Kazakhstan sẽ là cầu nối để hàng hoá Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Trung Á
Chiều ngày 15/10, Đại sứ quán Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam họp báo thông tin về thông điệp của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev dành cho người dân Kazakhstan tại Phiên họp chung của Quốc hội Kazakhstan, ngày 2/9/2024.
Đại sứ quán Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam họp báo thông tin về thông điệp của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev dành cho người dân Kazakhstan. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Kazakhstan tập trung phát triển kinh tế xã hội bền vững
Theo Đại sứ quán Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam, trong Thông điệp, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đặc biệt nhấn mạnh, mục tiêu chính của Nhà nước Kazakhstan là phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giải phóng tiềm năng của người dân và nâng cao phúc lợi quốc gia.
Cụ thể, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam - ông Kanat Tumysh - cho biết, các nhiệm vụ chính được Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đề ra, đó là: Khắc phục sự mất cân bằng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; cải thiện môi trường đầu tư và điều kiện kinh doanh.
Trong đó, quốc gia này sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế, tập trung vào việc hoàn thiện các dự án đối tác công-tư. Cung cấp ưu đãi cho các nhà đầu tư tập trung vào phát triển sản xuất, bao gồm các khoản khấu trừ một lần cho việc xây dựng, mua sắm, hiện đại hóa và tái cấu trúc tài sản. Chính phủ cần tăng tỷ trọng doanh nghiệp vừa trong nền kinh tế lên 15% vào năm 2029, so với 7% hiện nay.
Bên cạnh đó, theo đại sứ Kanat Tumysh, Kazakhstan sẽ thúc đẩy khai thác tiềm năng công nghiệp của đất nước, với việc tập trung vào 17 dự án lớn, trong đó ưu tiên các công nghệ tiên tiến và sử dụng nguyên liệu và linh kiện trong nước. Phát triển ngành công nghiệp hóa dầu vẫn là ưu tiên hàng đầu, với các dự án lớn đang được triển khai để sản xuất polypropylene và polyethylene.
Đồng thời, giải quyết các vấn đề hạ tầng cấp bách, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và dịch vụ công. Kazakhstan tiếp tục phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông, năng lượng. “Phát triển các trung tâm hàng không là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng gấp đôi lượng hàng hóa hàng không xử lý lên 150.000 tấn mỗi năm trong bốn năm tới”- đại sứ ông Kanat Tumysh cho biết.
Cùng với đó, Kazakhstan sẽ đẩy mạnh nỗ lực chuyển đổi số, đặc biệt chú trọng việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào nền tảng chính phủ điện tử. Trung tâm Trí tuệ nhân tạo quốc gia sẽ được khai trương tại Astana vào năm tới. Việc hoàn thành tuyến cáp quang qua Biển Caspi vào năm 2025 là yếu tố then chốt đối với hạ tầng số của Kazakhstan.
Ngoài ra, ông Kanat Tumysh cũng nêu một số mục tiêu Kazakhstan sẽ hướng tới, như: Chú trọng khai thác nguồn nước dự trữ từ nước lũ để phục vụ nhu cầu nông nghiệp, đồng thời sửa chữa và hiện đại hóa các trạm thủy văn. Nâng cao tiềm năng nhân lực của đất nước thông qua việc Chính phủ đã bắt đầu quốc tế hóa giáo dục đại học, thu hút 23 trường đại học nổi tiếng quốc tế. Trong đó, năm 2025 sẽ được công bố là "Năm nghề nghiệp”, tới cuối năm 2025 dự kiến sẽ xây dựng 217 trường học hiện đại.
Kazakhstan tiếp tục tập trung cải thiện sức khỏe cộng đồng và tái cơ cấu hệ thống hỗ trợ xã hội. Theo đại sứ ông Kanat Tumysh, Kazakhstan sẽ phát triển ngành y tế hiệu quả hơn mô hình đối tác công-tư (PPP). Đồng thời, các cải cách chính trị sẽ tiếp tục được thực hiện khi cần thiết để hỗ trợ sự phát triển của nhà nước, đảm bảo tiến bộ liên tục. Hình thành một hệ sinh thái thống nhất để xử lý các đơn kiến nghị, phản ánh của người dân, xác định nhu cầu và kỳ vọng hiện tại của họ.
Ông Kanat Tumysh - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Dư địa hợp tác kinh tế Việt Nam - Kazakhstan còn rất lớn
Về chính sách đối ngoại của Kazakhstan, đại sứ Kanat Tumysh nêu rõ, Kazakhstan thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình và cân bằng, nhằm củng cố chủ quyền, bảo vệ quyền lợi của công dân ở nước ngoài, thúc đẩy lợi ích quốc gia và thu hút đầu tư. Quốc gia này cam kết hợp tác đa phương theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo an ninh và ổn định quốc tế.
Đồng thời, Kazakhstan ủng hộ nỗ lực của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác trong cuộc chiến chống khủng bố, cực đoan, di cư trái phép, biến đổi khí hậu và các mối đe dọa toàn cầu khác. Kazakhstan hỗ trợ các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, các sáng kiến giải trừ vũ khí và ủng hộ giải quyết các xung đột vũ trang bằng biện pháp ngoại giao.
Tại buổi họp báo, đại sứ Kanat Tumysh nhấn mạnh Kazakhstan đặc biệt coi trọng quan hệ với Việt Nam. Thời gian qua, hai bên tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực cũng như hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.
Đặc biệt, về hợp tác kinh tế, đầu tư, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) là một động lực bổ sung cho sự phát triển quan hệ thương mại song phương. Hiện, Kazakhstan đứng thứ hai về kim ngạch thương mại với Việt Nam trong số các nước thành viên EAEU. Năm 2024, hai nước hướng tới nâng kim ngạch thương mại từ 1,5 lên 2 tỷ USD.
Đến nay, dư địa hợp tác kinh tế giữa hai bên còn rất lớn, trong đó, đại sứ Kanat Tumysh cho biết, Kazakhstan mong muốn thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực đường sắt, hàng không với Việt Nam. Trong đó, hợp tác đường sắt giữa Việt Nam và Kazakhstan sẽ tạo thành một cầu nối giữa Đông Nam Á đến Kazakhstan, vùng Caucasus, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như châu Âu.
Cụ thể, thông qua tuyến Hành lang Đông Tây xuyên Caspi kéo dài từ biển Đen đến Trung Á qua Nam Caucasus, là tuyến đường sắt ngắn nhất giữa miền Tây Trung Quốc đến Liên minh châu Âu và ngược lại. Với hành lang liên vận này, hàng hóa từ Việt Nam có thể được vận chuyển đến châu Âu chỉ trong hai tuần.
“Việt Nam có thể đóng vai trò cửa ngõ để Kazakhstan hợp tác với các nước ở khu vực Đông Nam Á và Kazakhstan sẽ là cầu nối để Việt Nam hợp tác với các nước Trung Á, góp phần thúc đẩy trao đổi giao thương, xuất nhập khẩu hàng hoá thuận lợi”- đại sứ Kanat Tumysh cho hay.