IFC hỗ trợ quản trị và mở rộng dịch vụ cho doanh nghiệp siêu nhỏ
Hội thảo nâng cao năng lực quản trị cho các tổ chức tài chính vi mô Việt Nam |
Hội thảo này được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Tài chính vi mô Việt Nam của IFC - với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ với mục tiêu tăng cường năng lực và sự minh bạch của ngành tài chính vi mô cũng như cải thiện năng lực của các tổ chức tài chính vi mô trong tăng cường tiếp cận tài chính bền vững và có trách nhiệm.
Trong quá trình quản trị, các cơ quan quản lý và nhà đầu tư ngày càng yêu cầu các công ty phải chứng tỏ được công tác quản trị tốt hơn, như có một hội đồng quản trị (HĐQT) lành mạnh, ban giám đốc có trách nhiệm, và hoạt động kiểm soát nội bộ cũng như quản lý rủi ro hiệu quả. Các nghiên cứu đã cho thấy quản trị mạnh mẽ hơn sẽ cải thiện kết quả hoạt động và quản lý rủi ro, nhờ đó sẽ tăng cường năng lực của các tổ chức này để đáp ứng nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ và người dân có thu nhập thấp. Qua hội thảo sẽ giúp các DN, các tổ chức liên quan đánh giá lại các chức năng quản trị chủ chốt của tổ chức mình, như HĐQT, tuân thủ, kiểm toán nội bộ, và xây dựng kế hoạch hành động để cải thiện hoạt động quản trị.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết, việc hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô Việt Nam tăng cường hoạt động quản trị công ty sẽ cải thiện năng lực của các tổ chức này nhằm cung cấp dịch vụ tài chính tốt hơn và mở rộng cho vay. Điều này sẽ bảo đảm tăng trưởng bền vững cho các tổ chức và có lợi cho khách hàng- hàng triệu DN siêu nhỏ, phụ nữ, và hộ gia đình thu nhập thấp, góp phần giảm nghèo trên cả nước.
Theo nghiên cứu của IFC, tại Việt Nam cứ năm người trưởng thành thì mới có một người được tiếp cận với dịch vụ tài chính và chỉ có 8% trong số đó có tiền gửi tiết kiệm tại các tổ chức chính thức. Các tổ chức tài chính vi mô đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho dân số thu nhập thấp, tức là phục vụ cho khoảng 10 triệu người dân, nhiều người trong số này là phụ nữ và người nghèo.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Giám đốc Điều hành Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam, lĩnh vực tài chính vi mô của Việt Nam hiện đang phát triển với nhiều nhà cung cấp dịch vụ nhỏ và phi lợi nhuận, hy vọng sẽ chuyển đổi thành các đơn vị theo định hướng thương mại với quy mô lớn hơn. Việc thực hiện các cải cách quản trị công ty để cải thiện hiệu quả, sự minh bạch, và quản lý rủi ro sẽ có vai trò tối quan trọng đối với quá trình chuyển đổi thành công của các tổ chức này.