Chủ nhật 24/11/2024 23:27

Huyện Việt Yên (Bắc Giang): Phấn đấu trở thành huyện công nghiệp

Việt Yên là huyện đồng bằng, nằm ở phía tây tỉnh Bắc Giang, nơi có nhiều làng quan họ nhất ở vùng văn hóa Kinh Bắc với 19 làng đã được UNESCO đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo tiền đề trở thành huyện công nghiệp phát triển bền vững, Việt Yên hướng đến trở thành điểm đến về du lịch sinh thái của tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao bằng xếp hạng chùa Bổ Đà là di tích cấp quốc gia đặc biệt

Nỗ lực trong phát triển kinh tế

Ông Lê Ô Pích - Chủ tịch UBND huyện Việt Yên - chia sẻ: Trong năm 2016, nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, cộng với diễn biến phức tạp của thời tiết đã tác động bất lợi đến nền kinh tế của huyện. Trước tình hình đó, UBND huyện đã lãnh đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình hạ tầng xã hội, tín ngưỡng, dịch vụ xã hội được đầu tư, đời sống nhân dân được nâng cao, tình hình chính trị ổn định, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng.

Năm 2016, mức tăng trưởng kinh tế của huyện đạt khá, tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn ước đạt 5.351 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 13,4%. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 2.334 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 17,9%; giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt 1.496 tỷ đồng, tăng 5,5%; giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt 1.521 tỷ đồng, tăng 15%.

Năm qua, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và khoa học công nghệ được huyện Việt Yên đặc biệt chú trọng. Trong năm, toàn huyện có 9 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký 406,4 tỷ đồng; nâng tổng số dự án trên địa bàn lên 113 dự án. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 65 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 1.609 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 790 doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được quan tâm chỉ đạo và ưu tiên đầu tư cùng với sự thuận lợi về thời tiết nên năng suất, sản lượng một số loại cây trồng tăng so với cùng kỳ năm trước. Phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, kết hợp với sự nỗ lực phấn đấu của địa phương, số xã về đích dự kiến sẽ đạt theo kế hoạch đề ra.

Công tác thu hút vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị đạt được kết quả tích cực. Nhiều dự án nguồn vốn ngoài đầu tư công được triển khai nhanh. Kiểm soát, xử lý nợ đọng, tồn đọng quyết toán được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, trật tự xây dựng thực hiện tốt. Sản xuất tại các doanh nghiệp phục hồi, nhiều cơ sở mới đi vào hoạt động, phát sinh doanh thu. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng, đạt 189,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Lãnh đạo huyện Việt Yên thăm mô hình rau thủy canh của Hợp tác xã Hoài Long tại thôn Kiểu, xã Bích Sơn

Hiện Việt Yên là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh, trên địa bàn có 3 khu công nghiệp (KCN); 3 cụm công nghiệp (CCN), làng nghề với 487 doanh nghiệp hoạt động. Phần lớn các doanh nghiệp trong KCN, CCN đều đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm cho khoảng 34 nghìn lao động. Năm 2017, huyện tập trung huy động cao nhất mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; chú trọng bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững...

Hướng đến phát triển làng du lịch sinh thái

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, huyện Việt Yên còn là huyện có nhiều làng quan họ nhất vùng văn hóa Kinh Bắc với 19 làng quan họ cổ đã được UNESCO đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều ngôi đình không những mang giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu mà còn trở thành biểu trưng văn hóa của làng xã Việt Nam như: Đình Thổ Hà (xã Vân Hà) xây dựng năm 1686; đình Đông (thị trấn Bích Động), đình Mật Ninh. Nhiều ngôi chùa của huyện cũng được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam như: Chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn), chùa Vĩnh Hưng (xã Quảng Minh), chùa Sùng Nghiêm và đình làng Vân Cốc (xã Vân Trung) được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia...

Việt Yên cũng tự hào là nơi có những làng quan họ cổ với khoảng 200 đội, câu lạc bộ quan họ. Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Đến hẹn lại lên, hát quan họ trong lễ hội Bổ Đà thu hút sự quan tâm của du khách. Không chỉ người lớn tuổi, nhiều thiếu niên cũng tham gia liên hoan. Đây là dịp để các làng, câu lạc bộ trao đổi kinh nghiệm duy trì, phát triển phong trào hát quan họ.

Những năm qua, Việt Yên đã mở nhiều lớp truyền dạy quan họ cho hạt nhân văn nghệ và hỗ trợ trang phục, nhạc cụ; ngoài sân chơi quan họ tại lễ hội chùa Bổ Đà, mỗi dịp hè, huyện tổ chức liên hoan hát quan họ cho thiếu nhi. Nhiều gia đình có 4 thế hệ biết hát quan họ, toàn huyện có 4 nghệ nhân ưu tú. Huyện xây dựng Đề án bảo tồn văn hóa phi vật thể trong đó có quan họ, phối hợp với ngành giáo dục biên soạn, xuất bản các tài liệu, những bài hát dân ca quan họ đưa vào trường học. Qua đó thực hiện tốt Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011 - 2020”.

Những hình ảnh các liền chị chít khăn mỏ quạ, nét mặt tươi tắn, đôi môi cắn chỉ e ấp sau vành nón thúng quai thao đã và đang để lại ấn tượng với du khách khi đến lễ hội chùa Bổ Đà nói riêng và đến với huyện Việt Yên nói chung. Hiện, chính quyền địa phương đang có kế hoạch phát triển du lịch sinh thái tại huyện Việt Yên nhằm phát huy những lợi thế, thế mạnh về các di sản văn hóa như: Cây di sản Việt Nam tại chùa Bổ Đà, làng hát quan họ cổ huyện Việt Yên… mà không phải địa phương nào cũng có được.

Bên cạnh đó, huyện sẽ phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội; duy trì, bảo tồn, hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống Vân Hà, Tăng Tiến để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, hình thành các tuyến du lịch tâm linh kết hợp mua sắm sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Phấn đấu đến năm 2018, Việt Yên trở thành huyện nông thôn mới; năm 2020 là một trong những huyện tốp đầu của tỉnh, hội đủ những điều kiện cơ bản của huyện công nghiệp và là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh.

Ông Lê Ô Pích - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Việt Yên: Định hướng trong thời gian tới xây dựng Việt Yên không chỉ là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước mà còn là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống và là điểm du lịch sinh thái thân thiện cho người dân địa phương.
Thanh Trà

Tin cùng chuyên mục

Sẽ sớm ổn định cuộc sống cho người dân khu tái định cư dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Quảng Ninh tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên than

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Tăng trưởng GRDP năm 2024 dự kiến đạt 7,5-7,8%

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Dân ca Quan họ Bắc Ninh: 15 năm lan tỏa mạnh mẽ

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà

Quảng Ninh: Doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất nhờ tiết kiệm điện

Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bắc Giang: Kiểm soát bình ổn thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu

Quảng Ninh ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp 39,4ha ở tỉnh Thanh Hóa về tay doanh nghiệp nào?

Triển lãm tranh, ảnh, tư liệu tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa tại Thanh Hóa

Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh

Sắp diễn ra Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Cần Thơ năm 2024

Tham vấn ý kiến dự thảo Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Gia Lai: Mới lạ mô hình trồng dâu tây treo tường của chàng kỹ sư công nghệ thông tin