Huyện Hải Hậu (Nam Định): Phát triển hạ tầng thương mại thúc đẩy thị trường nội địa
Là địa phương tiêu biểu trong đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn theo hướng chuyên sâu, để thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) đã quy hoạch hạ tầng thương mại nông thôn theo hướng phát triển 3 khu vực chính gồm: thị trấn Yên Định; khu vực thị trấn Cồn; thị trấn Thịnh Long, các xã thuộc khu kinh tế Ninh Cơ và mạng lưới chợ cấp xã.
Chợ Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định |
Theo đó, khu vực thị trấn Thịnh Long và các xã trong khu kinh thế Ninh Cơ quy hoạch đầu tư các công trình: Chợ đầu mối thuỷ hải sản Thịnh Long, trung tâm thương mại đa năng; trung tâm khu kinh tế Ninh Cơ gần khu vực cảng Thịnh Long, trung tâm bán buôn các sản phẩm công nghiệp được sản xuất trong khu kinh tế, tổng kho phân phối gas, khí hóa lỏng; hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trong khu vực phi thuế quan.
Khu vực các thị trấn Yên Định, thị trấn Cồn sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ thị trường. Cụ thể, ở thị trấn Yên Định đầu tư nâng cấp chợ Yên Định từ hạng II lên hạng I; xây dựng Trung tâm thương mại, siêu thị hạng II, III, các cửa hàng bách hóa.
Khu vực thị trấn Cồn sẽ đầu tư nâng cấp chợ Cồn lên hạng I, xây dựng khu đô thị thương mại Cồn - Văn Lý. Đồng thời quy hoạch các kết cấu hạ tầng bán lẻ phù hợp với quy mô như: Siêu thị hạng III, các cửa hàng bách hóa.
Các Trung tâm thương mại khu kinh tế Ninh Cơ, Trung tâm thương mại Thịnh Long, Trung tâm thương mại Yên Định được xếp vào danh mục các dự án kết cấu hạ tầng thương mại trọng điểm của tỉnh với tổng giá trị đầu tư từ 1.500 đến hơn 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có các khu dịch vụ thương mại Tây Âm, xã Hải Tây, khu dân cư thương mại Hải Thanh, khu dịch vụ thương mại giáp ranh thị trấn Yên Định và hệ thống chợ dân sinh.
Để thực hiện các công trình hạ tầng thương mại nông thôn này, huyện đã huy động mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển hạ tầng thương mại nông thôn; tiếp tục bố trí vốn Nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động các nguồn lực xã hội.
Đối với việc xây dựng chợ dân sinh, huyện đã mạnh dạn đề xuất với cấp trên cho bỏ một số chợ hoạt động không hiệu quả ra khỏi quy hoạch để tập trung đầu tư, tránh dàn trải lãng phí. Đến nay, toàn huyện chỉ còn lại 23 chợ nông thôn ở 34 xã, thị trấn; trong đó, có 5 chợ loại 2, 18 chợ loại 3....
Đối với các trung tâm thương mại, huyện chú trọng kêu gọi các doanh nghiệp và vận động nhân dân, các hộ kinh doanh tại khu vực đó đóng góp kinh phí xây dựng, tham gia quản lý, khai thác…
Theo đó, các công ty, doanh nghiệp và các hộ dân được hưởng các ưu đãi như: Được khai thác công trình, được ưu tiên lựa chọn và sử dụng gian hàng, ki-ốt bán hàng… Cách làm này không chỉ đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng thương mại của huyện mà còn bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, các tiểu thương và người tiêu dùng.
Hạ tầng thương mại phát triển đã thúc đẩy việc luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn; tạo điều kiện để người dân được tiếp xúc với kênh phân phối, bán lẻ hàng hóa văn minh, hiện đại, có sự đảm bảo về giá cả, chất lượng hàng hóa.
Đến nay, toàn huyện có gần 534 doanh nghiệp và hơn 5.000 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, ở các tuyến phố trung tâm, các chợ tập trung. Số lao động tham gia hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tăng nhanh với hơn 10 nghìn người vào thời điểm hiện tại. Hằng năm, lĩnh vực thương mại và dịch vụ đóng góp gần 50% GDP của huyện. Hiện tại huyện Hải Hậu đang nỗ lực xây dựng khu đô thị thương mại Cồn - Văn Lý với tổng diện tích tự nhiên là 217,34ha.
Xác định phát triển hạ tầng thương mại nông thôn là nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội; phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh; thu hẹp khoảng cách vùng, miền, và thực hiện Tiêu chí số 7 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, huyện Hải Hậu sẽ tiếp tục thu hút đầu tư với nhiều hình thức đa dạng; tăng cường quản lý, khai thác các công trình thương mại dân sinh. Đồng thời phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm; khuyến khích phát triển hình thức kinh doanh theo chuỗi, liên kết các cửa hàng bán lẻ; tích cực chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh chợ phù hợp kinh tế thị trường.