Theo đánh giá của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bà Rịa – Vũng Tàu là điểm đến ưu tiên của các doanh nghiệp Nhật Bản bởi có nhiều lợi thế trong hợp tác đầu tư. Trong ảnh: Chuyên gia của JICA khảo sát thực tế tại khu vực sông Thị Vải, nơi có nhiều KCN ở BR-VT.
CôngThương - Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, Bà Rịa– Vũng Tàu đã có 3 doanh nghiệp ứng dụng - vận hành hiệu quả việc tái tạo năng lượng từ chất thải (Công ty TNHH Hà Lộc, Công ty CP Môi trường Sao Việt và Công ty TNHH MTV Giấy Sài Gòn– Mỹ Xuân). Những nhà máy này đều có chung mục tiêu tái chế các chất thải có nguồn gốc dầu thành dầu FO và chế biến các chất thải có nhiệt lượng cao, phế phẩm nông nghiệp, chất thải sinh hoạt và công nghiệp thành năng lượng cung cấp cho các lò đốt công nghiệp, các nhà máy điện, thép, xi măng,… Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương phát triển ngành công nghiệp xử lý, tái chế chất thải sản xuất công nghiệp và sinh hoạt, trong đó, Nhà máy xử lý chất thải lỏng sinh hoạt thành phân vi sinh và xử lý xỉ thép thành đá nhân tạo dùng trong san lấp mặt bằng, công trình giao thông… là những điển hình cho tái chế chất thải thành những vật liệu thân thiện với môi trường.
Theo đánh giá của Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN), giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường của Nhà máy giấy Sài Gòn – Mỹ (tại KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành) với công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn dùng nhiên liệu là phụ phẩm nông nghiệp và các chất thải công nghiệp không nguy hại phát sinh từ hoạt động của nhà máy là việc làm phù hợp với chủ trương, chính sách về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Công nghệ này đã giúp Nhà máy Giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân thay thế được nguồn nhiên liệu dầu FO, khí đốt, tiết kiệm được chi phí năng lượng và giải quyết được vấn đề môi trường liên quan đến các chất thải rắn thông thường phát sinh hàng ngày như phế liệu giấy đầu vào (nilon, giấy phế liệu không thể tái chế…). Mặt khác, việc xử lý trực tiếp chất thải rắn không phải là chất thải nguy hại có khả năng cháy tại nhà máy thay vì phải chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý chất thải rắn sẽ tận dụng được năng lượng phát sinh nhiệt từ quá trình đốt, không gây lãng phí tài nguyên đất đai do phải chôn lấp…
Về hoạt động tái chế chất thải, các nhà máy trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ xử lý phù hợp với thực tế chất thải phát sinh từ hoạt động của ngành thép, chất thải lỏng sinh hoạt. Cụ thể, việc thu gom và xử lý chất thải lỏng sinh hoạt của Công ty Đại Nam với đầu ra là phân vi sinh phục vụ cho ngành nông nghiệp được coi là một trong 2 nhà máy đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này. Còn công nghệ xử lý xỉ thép thành vật liệu xây dựng thay thế cho các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, đáp ứng được việc bảo vệ môi trường, hạn chế được khai thác tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải theo đúng chủ trương của Nhà nước… Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN, trong 8 KCN đã đi vào hoạt động có 5 KCN đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tại những những KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải cục bộ đạt tiêu chuẩn. Hướng đến nền công nghiệp thân thiện với môi trường, UBND tỉnh đã có thông báo chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc xử lý chất thải phát sinh hàng ngày nhằm đảm bảo được xử lý triệt để; phổ biến rộng rãi những ứng dụng của các sản phẩm sau tái chế để thúc đẩy chính sách tái chế và tái sử dụng chất thải để bảo vệ môi trường…
Theo Chương trình xúc tiến đầu tư vừa được UBND tỉnh phê duyệt năm 2013, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung thu hút vốn vào các lĩnh vực đang có nhiều tiềm năng và không ảnh hưởng đến môi trường. Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận, thu hút đầu tư; tất cả các dự án đầu tư mới phải sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, bảo đảm các chất thải khi thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.