Thứ ba 06/05/2025 14:45

HoREA tiếp tục kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bất động sản

Thống kê của Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho thấy, trong quý I/2017, thị trường bất động sản (BĐS) TP. Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu trầm lắng, sụt giảm rõ nét ở phân khúc cao cấp, hạng sang, giao dịch thành công giảm 1/3 so với quý I/2016.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) - đánh giá, nhìn toàn cục thị trường vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như đã có tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội đổ vào thị trường BĐS rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng…

Đặc biệt thị trường còn có hiện tượng “sốt giá ảo” trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện như: Quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi... và phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền (chiếm đến 2/3 số lượng giao dịch thành công trên thị trường trong quý I/2017) có tính thanh khoản cao, thì “cung” không đủ “cầu”.

Phân tích nguyên nhân thị trường BĐS vẫn chưa phát triển minh bạch, lành mạnh ông Châu cho rằng do thị trường còn vướng 5 “điểm nghẽn” liên quan đến tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, chuyển nhượng dự án BĐS, chính sách tín dụng chưa phù hợp và thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài.

Theo ông Châu, để thị trường phát triển lành mạnh ngày 7/4 vừa qua HoREA đã gửi văn bản kiến nghị một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành tới Thủ tướng Chính phủ.

Một số kiến nghị được HoREA đề xuất là: Thay đổi cơ chế tính tiền sử dụng đất dự án để giảm giá thành nhà ở, tăng tính minh bạch và loại trừ cơ chế “xin-cho” trên thị trường. Cho phép chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án. Cho phép thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài, nhưng khi xảy ra tranh chấp thì phải được xử lý theo pháp luật của Việt Nam. Cho miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại bán giá rẻ hoặc cho thuê giá rẻ…

Liên quan đến nguồn vốn, theo HoREA thị trường BĐS hoạt động trung hạn và dài hạn, nhưng Nhà nước chưa có cơ chế tạo lập nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn để cung cấp cho thị trường. Do đó, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế để tính lãi suất cho vay trung hạn trong thời hạn khoảng 15-20 năm cho người mua căn nhà đầu tiên thuộc loại nhà vừa túi tiền.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã cho phép thành lập quỹ đầu tư BĐS nhưng cho đến nay chỉ có duy nhất Quỹ đầu tư BĐS của Techcombank hoạt động còn Quỹ tín thác BĐS (quỹ REIT) và thị trường chứng khoán phái sinh vẫn chưa được hình thành để tạo vốn cho thị trường BĐS. Vì vậy, theo HoREA, nhà nước cần cơ chế cụ thể để các quỹ đầu tư BĐS hoạt động có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thùy Dương