Họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 9: Triển khai kế hoạch ổn định cung cầu hàng hóa những tháng cuối năm
Thị trường hàng hóa vẫn duy trì ổn định
Bà Lê Thị Hồng - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, thị trường hàng hóa thế giới trong tháng 9 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị như cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc kéo dài gây áp lực lên cung cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới. Các nhân tố địa chính trị đã tạo sức ép khác nhau lên giá dầu (OPEC và các nước đồng minh giảm sản lượng khai thác từ đầu năm 2019, các biện pháp trừng phạt Hoa Kỳ áp đặt đối với xuất khẩu dầu của Iran, vụ tấn công bất ngờ vào khu vực khai thác dầu thô của Arab Saudi gây ra những lo ngại về nguồn cung). Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) hạ lãi suất cơ bản 0,25 điểm xuống mức 1,75 - 2% và các diễn biến trên thị trường tiền tệ thế giới… làm ảnh hưởng đến giá USD và vàng…
Chuẩn bị hàng hóa dịp cuối năm |
Những biến động địa chính trị trên thị trường đã khiến hầu hết giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới trong tháng 9 có xu hướng giảm, riêng mặt hàng dầu thô tăng giá. Giá đường có xu hướng giảm nhẹ so với tháng 8. Giá nhập khẩu bình quân thép phế, phôi thép giảm từ 7,5 - 7,9%. Thị trường xuất khẩu gạo ảm đạm do một số nước nhập khẩu truyền thống như Trung Quốc, Philippines thực hiện chương trình tự túc thực phẩm.
Ở thị trường trong nước, thị trường và giá cả hàng hóa chịu tác động biến động giá của thị trường thế giới. Tuy nhiên, nhờ sự điều hành linh hoạt các mặt hàng do Nhà nước quản lý, thị trường hàng hóa tương đối dồi dào với giá cả ổn định. Theo đánh giá của Tổ Điều hành thị trường trong nước, thị trường hàng hóa khá sôi động trong các dịp khai giảng năm học mới và Tết Trung thu. Nguồn cung các mặt hàng tốt, giá không có biến động lớn; một số mặt hàng nông sản thực phẩm giá tăng nhẹ do nhu cầu tăng; các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá giảm nhẹ theo giá thế giới; các nhóm hàng khác tương đối ổn định…
“Các năm trước, vào mùa Trung thu, thị trường hàng hóa thường gặp nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên năm nay, do đã có những chiến dịch quản lý thị trường trọng tâm trọng điểm nên vấn đề an toàn thực phẩm mùa Trung thu đã được kiểm soát tốt hơn. Mùa khai giảng năm nay, nguồn cung cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh khi bước vào ngày khai giảng” - ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thông tin.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 đạt 420.342 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 3.634.779 tỷ đồng, tăng 11,36% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng tương đối tốt, đạt được chỉ tiêu Quốc hội giao.
Đảm bảo nguồn cung những tháng cuối năm
Theo dự báo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, thị trường hàng hóa trong quý IV sẽ chịu tác động của các yếu tố bất ổn về chính trị, thương mại của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, các nước đang có xu hướng gairm thiểu xung đột thương mại nên mức độ biến động sẽ không lớn. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu vẫn đang khá tốt, nhu cầu không cao nên giá sẽ không bị áp lực tăng lớn.
Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, để đảm bảo cung cầu hàng hóa, Hà Nội đang phối hợp tiêu thụ sản phẩm với các địa phương lân cận. Đồng thời tổ chức các hội chợ, triển lãm để đa dạng nguồn cung hàng hóa cho người tiêu dùng.
Riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi nên nguồn cung giảm mạnh. Cùng với nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, nguyên vật liệu cuối năm tăng nên thị trường khá sôi động. Tuy nhiên, sự chủ động của các Bộ ngành, địa phương sẽ giúp thị trường ổn định và giá cả không có biến động lớn.
Với mặt hàng xăng dầu, các doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn cung cho dịp cuối năm, thời điểm nhu cầu mặt hàng này tăng cao.
Tuy nhiên, để đảm bảo cung cầu hàng hóa cuối năm, đặc biệt dịp Tết, Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán chặt chẽ nguồn cung của từng nhóm sản phẩm chăn nuôi để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương có phương án tái đàn phù hợp, tránh tình trạng thiếu nguồn cung mặt hàng này trong khi mặt hàng khác thừa, gây bất ổn tâm lý tiêu dùng. Đồng thời, các Bộ ngành cần kiểm soát chặt chẽ tình hình buôn lậu đường qua biên giới các tỉnh phía Nam.