Thứ tư 27/11/2024 11:20

Họp báo quốc tế về chương trình Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Chiều 12/9, tại Nhà Quốc hội, diễn ra Họp báo quốc tế về chương trình Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, sẽ diễn ra từ ngày 14-17/9/2023 tại Hà Nội.

Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được khẳng định

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 có chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, Phó Trưởng ban tổ chức Hội nghị cho biết, Hội nghị Nghị sĩ trẻ Toàn cầu lần thứ 9 là cơ hội để các nghị sĩ trẻ đến từ các nghị viện thành viên trên thế giới thảo luận về các hành động của nghị viện nhằm phát huy vai trò của giới trẻ trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cũng như thúc đẩy đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Họp báo quốc tế về Chương trình Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Ông Hà cũng nhắc đến nhiều thành tựu quan trọng của Việt Nam sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Theo đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam được mở rộng đáng kể, GDP năm 2022 đạt khoảng khoảng 409 tỷ USD, tăng 10 lần so với những năm 2000. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của nước ta tiếp tục được duy trì với mức tăng 3,72% (trong đó quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,14%).

Về đối ngoại, từ thế bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc Đổi mới.

Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được khẳng định. Việt Nam đã phát huy vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không ngừng nâng cao vị thế của đất nước.

Quốc hội Việt Nam đã tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động của các diễn đàn hợp tác liên nghị viện quan trọng như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).

Đây là những kênh ngoại giao nghị viện đa phương có nhiều đóng góp vào việc duy trì hòa bình, thúc đẩy hợp tác, nâng cao hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa các nghị viện; mở rộng vai trò, ảnh hưởng của các nghị viện đối với các vấn đề chung, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cũng cho hay, Đảng, Nhà nước và Quốc hội tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đối với thanh niên và công tác thanh niên, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục ghi nhận, đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp đối với thanh niên, công tác thanh niên.

Quốc hội đã ban hành Luật thanh niên năm 2020, Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tạo cơ chế, chính sách để chăm lo, bồi dưỡng, phát huy thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quốc hội Việt Nam thành lập Nhóm Nghị sĩ trẻ từ khóa XIII, tạo diễn đàn để các Đại biểu Quốc hội trẻ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động Quốc hội, đặc biệt là trong xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách có liên quan đến giới trẻ.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước coi chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Phó Trưởng ban tổ chức Hội nghị

Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng chuyển đổi số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, các nội dung khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được thể hiện đồng bộ, xuyên suốt từ chủ đề của Chiến lược đến quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, bảo đảm được tính kế thừa, phát triển từ các thành công và có tính đến bối cảnh mới ở trong nước và quốc tế.

Đồng thời, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng vai trò văn hóa trong phát triển bền vững, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Cơ hội để tăng cường quan hệ ngoại giao

Theo ông Hà, việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là hoạt động thiết thực triển khai đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Việc đăng cai Hội nghị lần này góp phần khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong IPU-tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới; đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.

Hội nghị góp phần thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam qua kênh nghị viện, đáp ứng yêu cầu phát triển và xu thế phát triển trong giai đoạn mới, trong đó có chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, tuyên truyền, quảng bá rộng rãi với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, đất nước, con người, chính sách đối ngoại và thành quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đồng thời, là cơ hội để tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia; tranh thủ sự ủng hộ của IPU, các nghị viện thành viên đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Với chủ đề chung: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, hội nghị có các chủ đề thảo luận chuyên đề: Chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Trao đổi với báo chí, bà Zeina Hilal, cán bộ Ban Thư ký IPU, cho biết, số lượng đại biểu quan tâm tham dự hội nghị tại Việt Nam lần này rất lớn, cho ý kiến về các vấn đề như: Chuyển đổ số, đổi mới sáng tạo để thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững. Đây là mình chứng cho tình hữu nghị giữa IPU - Việt Nam khi Việt Nam đã từng đăng cai tổ chức IPU 132 năm 2015 và các đại biểu vui mừng khi được trở lại Việt Nam.

Bà Zeina Hilal cũng đánh giá cao quan điểm phát triển bền vững không để ai lại phía sau của Việt Nam. Việc hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 này sẽ hỗ trợ thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong nhiều vấn đề khác như trong giáo dục trẻ em được cung cấp các sản phẩm về giáo dục.

Trong lúc đại dịch Covid-19 đã cung cấp các dịch vụ giáo dục cho trẻ em. Trong đó, có vai trò của các nghị sĩ đưa ra chính sách giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cung cấp cho thanh niên các sản phẩm giáo dục cần thiết, hay vấn đề việc làm cho thanh niên vì đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cũng khiến nhiều việc làm bị mất đi. Trước vấn đề trên các nghị sĩ cần đưa ra khuôn khổ pháp lý cần thiết để tạo việc làm trước sự thay đổi do đổi mới sáng tạo tạo ra cho thanh thiếu niên.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2024

Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục

Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao

Thống nhất quy định về điện hạt nhân trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Mặt hàng phân bón và máy nông nghiệp chính thức chịu thuế VAT 5%

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Doanh nghiệp Việt Nam, Đan Mạch cùng tạo nên những thương hiệu quốc tế chung

Bộ trưởng Công an lý giải nguyên nhân nhiều người vi phạm giao thông

Từ việc kênh Youtube Quang Linh Vlog bị chiếm đoạt, đại biểu Quốc hội lo ngại xu hướng tội phạm mạng

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình họp với 3 bộ, 8 địa phương về cải cách thủ tục hành chính

60% khiếu nại liên quan đến đất đai đến từ người dân vùng nông thôn, miền núi

Hoạt động của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tại Campuchia

Khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai có chiều hướng gia tăng

Sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới

Tội phạm đánh bạc trên mạng Internet tăng cao

Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 nhóm tăng cường hợp tác với Bulgaria

Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Lào-Campuchia: Biểu tượng đoàn kết khu vực