Cụ thể: Báo cáo của Sở LÐ-TB&XH 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định 23 là hơn 33.564 tỷ đồng, hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng. Riêng TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 8,85 triệu lượt, với số tiền 12.244 tỷ đồng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là: Bình Dương (3.118 tỷ đồng), Đồng Nai (2.787 tỷ đồng), Hà Nội (2.063 tỷ đông), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.742 tỷ đồng), Cần Thơ (905 tỷ đồng); Bắc Giang (858 tỷ đồng), Long An (737 tỷ đồng), Khánh Hòa (505 tỷ đồng).
Đã có nhiều doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do Covid-19 được nhận hỗ trợ |
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, kết quả thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QÐ-TTg là 37,918 tỷ đồng từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; trong đó về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động, với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.
Đồng thời đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.800.278 lao động, gồm 11.709.841 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1.090.437 người đã dừng tham gia, với số tiền hỗ trợ 30.323 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 30.069 tỷ đồng cho 12.698.562 người lao động, trong đó đại đa số là chỉ trả qua tài khoản cá nhân.
Ngoài ra cũng chi cho một số chính sách an sinh xã hội khác như: Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 46 tỉnh, thành phố hỗ trợ 14,68 tỷ đồng cho 3.321 trẻ em, gồm 2.840 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ em, với tổng số tiền 14,2 tỷ đồng) và 481 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 (mức 1 triệu đồng/trẻ em, số tiền là 481 triệu đồng); trên cơ sở đề xuất nhu cầu hỗ trợ gạo cứu đói của 41 tỉnh, thành phố, Bộ LÐ-TB&XH đã tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xuất cấp tổng cộng 158.136,660 tấn gạo để hỗ trợ cho 2.715.530 hộ dân.