Hơn 49.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, nhiều ca trở nặng
Như vậy so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tay chân miệng có sự gia tăng. Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh trở nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.
Hơn 49.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, nhiều ca trở nặng. Ảnh minh họa |
Theo Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên năm nay, bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ. Ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi loạng choạng…
Đáng lo ngại, có những ca bệnh tay chân miệng không có dấu hiệu điển hình nhưng bệnh lại diễn biến nhanh và nặng. Vì vậy, ngoài điều trị bằng phương pháp thông thường, các bác sĩ cần dùng thêm thuốc đặc biệt như IVIG, Milrinone, kết hợp sử dụng máy móc hỗ trợ hô hấp, kiểm soát động mạch liên tục, kiểm soát nhịp tim.
Một lần nữa các chuyên gia y tế khẳng định, bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và diễn biến nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, cha mẹ cần lưu ý một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng, đó là sốt cao không đáp ứng với điều trị; trẻ sốt trên 38,5oC kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Bên cạnh đó, trẻ còn hay giật mình, đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp).
Bên cạnh đó còn có một số dấu hiệu khác như khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.