Hơn 49.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, nhiều ca trở nặng Tin nóng y tế: Đã có 21 ca tử vong do tay chân miệng |
Trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023, Hà Nội ghi nhận thêm 265 ca tay chân miệng, tăng gấp đôi so với tuần trước và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8.
Số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội tăng cao. Ảnh Trần Việt |
Riêng 2 tuần cuối tháng 9/2023, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tăng lên khoảng 140 ca/tuần, nâng tổng số ca mắc tay chân miệng ghi nhận từ đầu năm đến nay lên 2.063 ca mắc, tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tay chân miệng: Trẻ bị sốt, mệt mỏi. Ở giai đoạn khởi phát, trẻ có thể sốt nhẹ (37,5 - 38 độ C) hoặc bị sốt cao (38 - 39 độ C), cộng với đau họng, tổn thương, đau rát ở răng và miệng…
Giai đoạn toàn phát, thường bắt đầu sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình: Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa. Ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 - 3mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.
Ở giai đoạn toàn phát trẻ bắt đầu phát ban ở bàn chân. Ngoài các triệu chứng điển hình trên, tùy vào từng cơ địa, bệnh tay chân miệng còn xuất hiện thêm các biểu hiện như: Bóng nước rất ít xen kẽ với hồng ban hoặc chỉ xuất hiện hồng ban. Một số trường hợp trẻ chỉ xuất hiện loét miệng.
Nếu tình trạng bệnh nhẹ, sau 7 - 10 ngày chăm sóc tại nhà, trẻ sẽ hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Trường hợp trẻ sốt cao (trên 39 độ C) kéo dài hơn 48 giờ, kèm theo các biểu hiện như nôn ói, tay chân run rẩy, co giật, tim đập nhanh, khó thở, da nổi vằn... gia đình cần đưa trẻ nhập viện ngay lập tức.
Các chuyên gia khuyến cáo, sau khi trẻ khỏi bệnh gia đình cũng không thể chủ quan cho rằng cơ thể trẻ sẽ miễn dịch với chủng virus gây bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần và lần bị bệnh sau là do những chủng virus khác với lần trước gây ra.
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh. Để giảm nguy cơ bị nhiễm các loại virus gây bệnh tay chân miệng, có thể sử dụng các cách: Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, đồ uống cho trẻ nhỏ, sau khi sử dụng nhà vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ và sau khi tiếp xúc với các bọng nước; sử dụng xà phòng để làm sạch các vật dụng, khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường; tránh dùng chung quần áo, đồ dùng cá nhân với trẻ nhiễm bệnh…
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, phổi, cơ tim, có nguy cơ tử vong cao. |