Hơn 102 nghìn du khách về trẩy hội chùa Hương
Lễ hội du lịch chùa Hương năm 2023 với chủ đề "Lễ hội chùa Hương an toàn, văn minh, thân thiện" được diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 23/1 đến hết ngày 23/4 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4 tháng Ba âm lịch). Đây được xem là lễ hội lớn nhất và cũng kéo dài nhất trong năm.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý Di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, tính đến hết ngày 26/1 (tức mùng 5 Tết), khách qua trạm đạt trên 102 nghìn khách, trong đó riêng ngày mùng 5 Tết lượng khách đến với chùa Hương đạt 43.902 khách.
Do du khách tăng cao đột biến trong ngày mùng 5 Tết, tại nhiều điểm đã xảy ra ùn tắc, lượng người chen kẹt cứng như tại lối lên cáp treo, lối lên động hương tích. Mặc dù vậy lực lượng chức năng đã kịp thời hướng dẫn du khách và phân luồng nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Hiển, mọi công tác chuẩn bị cho việc khai hội vào sáng mùng 6 (27/1) đã được chính quyền địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng. Để bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, công tác quản lý các nhà hàng, quán ăn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, tổ công tác liên ngành sẽ thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các hàng quán bán hàng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra thường xuyên nguồn gốc thực phẩm đồng thời khám bệnh cho những người tham gia phục vụ du khách….
“Ban Tổ chức lễ hội đã chủ động triển khai kế hoạch cũng như phương án dự phòng, bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, nhất là những vấn đề về ùn tắc giao thông, bến bãi đỗ xe, phân luồng thuyền đò di chuyển...”, ông Hiển cho hay
Theo đó, các hành vi chèo kéo, ép giá, xin tiền mừng tuổi... đều bị xử lý nghiêm. Trong ngày mùng 3 Tết (24/1), chùa Hương cũng chính thức triển khai hệ thống xe điện với hơn 50 phương tiện phục vụ nhu cầu tham quan, vãng cảnh của người dân. Việc phân luồng di chuyển được triển khai hiệu quả, giúp đường giao thông luôn thông thoáng, không xảy ra ùn tắc. Năm nay chùa Hương áp dụng công nghệ 4.0, trong đó, Ban quản lý bán vé điện tử và thực hiện quét QR tại khu vực soát vé thay vì mua vé tay truyền thống.
Ngay từ những ngày đầu năm mới đông đảo du khách đến với chùa Hương |
Hiện vé tham quan, dịch vụ thuyền đò, xe điện, trông giữ xe… đã được niêm yết công khai. Theo đó, vé xe điện có giá 10 nghìn đồng/người/ lượt; vé tham quan thắng cảnh và xuồng đò là 130 nghìn đồng/người...
Ông Đặng Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, để chuẩn bị cho công tác khai hội cũng như đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong suốt 3 tháng lễ hội diễn ra, Ban tổ chức lễ hội đã thành lập 7 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát vé thắng cảnh, 1 tổ liên ngành.
Trước đó, tại cuộc họp, ban tổ chức đã thông qua quyết định thành lập chỉ đạo, ban tổ chức, quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng tiểu ban; yêu cầu các tiểu ban xây dựng kịch bản quản lý tổ chức lễ hội an toàn, chu đáo.
“Điểm nổi bật của lễ hội năm 2023 là ban tổ chức đã đổi mới hình thức bán vé tham quan, lễ hội từ hình thức vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé đảm bảo phù hợp. Bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đục Khê để đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện thuận tiện cho du khách về tham quan, trẩy hội”, ông Cảnh chia sẻ.
Năm nay Công ty cổ phần Chùa Hương xanh xây dựng tuyến và đưa vào thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về Chùa Hương được thưởng ngoạn vẻ đẹp của xã Hương Sơn.
Năm nay, lãnh đạo chính quyền huyện Mỹ Đức quán triệt nâng cao chất lượng dịch vụ, quảng bá hình một chùa Hương thân thiện, mến khách đến với du khách về trẩy hội.
“Người tham gia phục vụ du khách phải văn minh, lịch thiệp. Công tác an ninh trật tự, vận chuyển du khách trên dòng Suối Yến phải được quan tâm. Chúng tôi kiên quyết xử lý các hàng quán kinh doanh không chấp hành quy định của ban tổ chức lễ hội, trên các tuyến đường phải đảm bảo thông thoáng, an toàn, xanh sạch, đẹp”, ông Cảnh cho biết thêm.