Trước tình trạng số ca mắc COVID-19 tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, tỉnh Nghệ An đã có yêu cầu các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp (KCN) mở đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, góp phần hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An thông tin, trong 12 giờ qua (từ 6h00 đến 18h00 ngày 20-2), tỉnh này ghi nhận 1.307 ca dương tính mới với Covid-19. Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay đã ghi nhận 49.410 ca mắc Covid-19 đang điều trị, phần lớn các trường hợp F0 theo dõi, điều trị tại nhà, nơi lưu trú.
Lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các nhà máy may trong khu cụm công nghiệp để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất khi tình trạng các ca F0 ngày càng gia tăng |
Để đảm bảo chuỗi cung ứng, sản xuất và an toàn cho người lao động, Sở Công Thương Nghệ An, Ban Quản lý các KCN tỉnh Nghệ An yêu cầu các DN thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho tất cả công nhân, người lao động, khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được quay trở lại làm việc. Đồng thời tuyệt đối không để cán bộ, nhân viên, người lao động tổ chức tiệc tùng, lễ chùa, lễ hội, vui chơi, du lịch.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Nghệ An yêu cầu các DN thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K+ vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức” và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; phối hợp với Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế trong việc vận chuyển người mắc COVID-19 tại các DN đến nơi điều trị.
Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn cho người lao động quay trở lại làm việc và thực hiện hiệu quả mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế", các DN trên địa bàn đã chủ động, linh hoạt thực hiện các biện pháp vừa khôi phục sản xuất, vừa phòng chống dịch. Theo ghi nhận, do nắm rõ được nguy cơ người lao động bị nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh nên hầu hết tại các nhà máy, nhất là các nhà máy may nơi tập trung nhiều lao động, bằng các phương pháp như test nhanh COVID-19 cho người lao động trước khi quay trở lại làm việc, có phương án bố trí thay thế trong dây chuyền sản xuất kinh doanh nếu chẳng may có F0. Chủ động các phương án phòng chống dịch, đồng thời phối hợp với cơ quan y tế cũng như chính quyền địa phương để chủ động xử lý tình huống mỗi khi có ca mắc mới.
Tại Công ty TNHH MLB TENERGY ở cụm Công nghiệp huyện Yên Thành (Nghệ An) – chuyên gia công may mặc hàng qua Nhật, từ sau Tết Nguyên đán đến nay đã ghi nhận 40 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Các giải pháp tăng cường các giải pháp phòng chống dịch tại công ty đang được đặt ở tình thế khẩn trương, bởi tại đây có 1.262 công nhân đang làm việc, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn nếu không được kiểm soát tốt.
Ông Rakusui Akihiko - Phó Giám đốc Công ty MBL cho hay, công ty đã thành lập một tổ chỉ huy phòng chống COVID-19. Mỗi phòng ban sẽ có một người tham gia và tổ này phụ trách toàn bộ các công tác an toàn công nhân viên trực thuộc. Cùng với đó, công ty đã thành lập tổ an toàn COVID-19 và các phương án ứng phó với dịch COVID-19.
Số ca nhiễm COVID-19 ở các nhà máy, KCN tại Nghệ An đang tăng nhanh |
"Nếu công ty xuất hiện bệnh nhân F0 thì chúng tôi đều có phương án để xử lý, đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân viên trong công ty. Chúng tôi đã thiết lập các phòng cách ly tạm thời để khi xuất hiện người nghi mắc thì sẽ đưa vào để có biện pháp xử lý tiếp theo. Yêu cầu người lao động phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc, không được chủ quan, lơ là…" – ông Rakusui Akihiko nói.
Việc tăng cường an toàn phòng, chống dịch Covid-19 còn được các công ty chú trọng trong thời gian công nhân ăn cơm trưa. Cụ thể, tại Công ty MLB, các bàn ăn được thiết kế, lắp đặt thêm những tấm chắn. Các tấm chắn này được làm bằng các chất liệu đơn giản nhưng mang lại hiệu quả trong việc phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh trong lúc ăn. Còn tại Công ty An Hưng, trước khi bước vào phòng ăn, các công nhân đều phải thực hiện việc sát khuẩn tay, luôn đeo khẩu trang trong suốt quá trình lấy cơm, chỉ được tháo khẩu trang khi ngồi vào bàn ăn. Để có thể đảm bảo khoảng cách an toàn nhất trong lúc ăn, công ty này cũng đã thực hiện sắp xếp giờ ăn của công nhân cho phù hợp.
Để đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, vừa qua Sở Công Thương Nghệ An đã trực tiếp yêu cầu các doanh nghiệp, nhất là các nhà máy may tập trung đông nhân lao động tiếp tục xây dựng phương án, bố trí khu vực lưu trú để quản lý, thu dung F0 không có triệu chứng là người lao động của đơn vị. Đồng thời lập danh sách, số lượng lao động đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi bổ sung, mũi nhắc lại gửi về Trung tâm Y tế huyện, thành phố nơi doanh nghiệp đóng trên địa bàn để phối hợp triển khai tiêm chủng ngay khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến người lao động thực hiện nghiêm 5K tại nơi làm việc cũng như nơi lưu trú, đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Đến nay, số ca nhiễm tại Công ty May An Hưng ở Huyện Yên Thành là gần 100 ca nhiễm trong tổng số 1.600 công nhân lao động. Hay tại Công ty May Hanoximex đã có 66 công nhân trên 559 công nhân đi làm bị nhiễm Covid. Ông Ngô Xuân Lộc - đại diện công ty cho hay: “Khi có ca mắc mới, DN thực hiện phong tỏa theo quy mô dịch tại dây chuyền, phân xưởng hay toàn bộ cơ sở sản xuất, trong đó khu vực phong tỏa có người lao động mắc hoặc nghi mắc COVID-19, tách biệt với các dây chuyền, phân xưởng khác và đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn không để lây nhiễm chéo giữa các dây chuyền, phân xưởng. Tránh ảnh hưởng đến năng suất lao động của cả nhà máy.”
Khẩn trương dựng vách ngăn tại khu làm việc, nhà ăn, đeo kính chắn trong suốt tại xưởng sản xuất, giãn khoảng cách làm việc là một số động thái khẩn cấp đã được thực hiện tại một số công ty nhà máy, KCN tại Nghệ An. |
Số ca nhiễm COVID-19 ở các nhà máy, KCN đang tăng nhanh trên địa bàn tỉnh. Tình hình dịch diễn biến phức tạp… nếu công tác phòng, chống dịch không được thực hiện tốt, một cách căn cơ nhất thì số ca nhiễm mới còn xuất hiện liên tục. Dịch từ nhà máy sẽ lây lan ra cộng đồng và ngược lại dịch từ cộng đồng sẽ xâm nhập nhà máy. Đặc biệt, trong thời điểm Tết này, khi công nhân từ nhà máy, KCN trở về quê, nguy cơ dịch COVID-19 lây lan rộng lớn hơn bao giờ hết.
Chính vì thế, trong giai đoàn này các DN, nhà máy, KCN phải tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 để sản xuất hiệu quả. Ông Lê Đức Ánh Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho hay, Nghị quyết 128 đã tạo điều kiện tối đa cho nhà máy, DN hoạt động, phát triển. Tuy nhiên các nhà máy, DN cần ý thức rõ việc kiểm soát dịch một cách thích ứng, linh hoạt nhưng cần phải an toàn, hiệu quả; đảm bảo hài hòa lợi ích của đơn vị và cộng đồng, sức khỏe lâu dài của cán bộ công nhân viên và người dân.
“Để phòng, chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả, không để đứt gãy trong sản xuất, các nhà máy DN cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, cần phối hợp cùng chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng tập trung rà soát lại phương án, kịch bản phòng chống dịch của đơn vị, tránh bị lúng túng khi các tình huống dịch phát sinh, đảm bảo thích ứng tình hình mới…”, ông Lê Đức Ánh nhấn mạnh.
Các DN thường xuyên thực hiện việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 một cách phù hợp theo quy định. Các DN rà soát người lao động chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là phụ nữ có thai trên 13 tuần, người có bệnh lý nền… đăng ký với Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 các huyện, thành phố, thực hiện tiêm chủng kịp thời, bảo đảm an toàn, hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19.
Với tỷ lệ người mắc SARS-CoV-2 trên số dân khá cao như hiện nay, trong khi năng lực các cơ sở điều trị COVID-19 tập trung có giới hạn, Nghệ An thống nhất triển khai thực hiện việc song song điều trị F0 tại các cơ sở điều trị và điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Nghệ An khuyến khích điều trị tại nhà với các trường hợp đủ điều kiện theo hướng dẫn của ngành y tế.