Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030
Tại Hội nghị, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quốc gia cho biết, tỉnh /chu-de/tinh-dak-nong.topiclà tỉnh đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên và tỉnh thứ 31 của cả nước tổ chức thẩm định Quy hoạch tỉnh.
“Tỉnh cần nhận diện được yếu tố mới, thách thức mới để có tầm nhìn mới, động lực mới, giá trị mới”, ông Trần Quốc Phương nói.
Quang cảnh Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết: Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Đắk Nông phấn đấu trở thành địa phương có nền kinh tế năng động, bền vững của vùng Tây Nguyên với 3 đột phá lớn gồm: tổ hợp công nghiệp bôxít - nhôm - luyện kim và công nghiệp năng lượng sạch; nông nghiệp bền vững và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Phấn đấu để xây dựng vùng đất Đắk Nông “Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - xã hội nghĩa tình”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cũng cho biết, nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg, ngày 7/7/2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười phát biểu |
Ngay sau khi có quyết định, Đắk Nông đã vào cuộc quyết liệt trong công tác lập quy hoạch. Quy hoạch được nghiên cứu công phu, nghiêm túc. Tất cả nội dung trong quy hoạch được xây dựng, phân tích dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ về hiện trạng, tiềm năng phát triển.
Quy hoạch được chia thành 5 phần, gồm 41 đề mục, thể hiện đầy đủ 16 nội dung theo quy định. Đây là bản quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành. Quy hoạch cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng của quy hoạch Quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông tuân thủ chặt chẽ quy định về cách thức, mức độ chi tiết tích hợp, lấy ý kiến rộng rãi từ nhiều chiều. Trong đó, Đắk Nông đã tổ chức 2 hội thảo khoa học, 4 đợt lấy ý kiến để gửi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Quy hoạch đã tổ chức lấy ý kiến 21 bộ và cơ quan ngang bộ, 5 tỉnh liền kề vùng Tây Nguyên.
“Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia và vùng Tây Nguyên trong cả giai đoạn”, ông Hồ Văn Mười thông tin.
Đây cũng là tiền đề, động lực mở ra những cơ hội phát triển mới, định hình các giá trị mới cho Đắk Nông trong thời kỳ quy hoạch.
Các chuyên gia đóng góp ý kiến cho Quy hoạch |
Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe giới thiệu chi tiết Quy hoạch. Về mục tiêu quy hoạch, đến năm 2030, xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương có nền kinh tế năng động, bền vững của vùng Tây Nguyên. Công nghiệp được xác định là động lực cho tăng trưởng, đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bôxít - nhôm và sau nhôm của Quốc gia.
Tỉnh sẽ phát triển trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan. Đắk Nông sẽ tái cơ cấu, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, liên kết theo chuỗi giá trị.
Đến năm 2050, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; xã hội phát triển văn minh, mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân chung cả nước.
Nền nông nghiệp của tỉnh phát triển trù phú, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị đối với các loại cây trồng. Tỉnh sẽ trở thành địa phương phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, khí hậu.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông bao gồm các quan điểm phát triển: Phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành và quy hoạch vùng; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, toàn diện; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh và liên tục tạo ra các lợi thế so sánh mới.
Tỉnh cũng sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần kinh tế số, chuyển đổi số; hát triển tập trung vào các đô thị trọng điểm, các tiểu vùng; kết cấu hạ tầng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tôn trọng dựa vào địa hình, tự nhiên; kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực; bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích nghi, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và thiên tai; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị.
Đóng góp ý kiến cho Quy hoạch, ý kiến các chuyên gia đã đánh giá cao những quan điểm, cách làm của Đắk Nông. Một số mảng quy hoạch cần được đánh giá có tầm nhìn xa, phù hợp với quy hoạch quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế đất nước, vùng Tây Nguyên và của Đắk Nông.
Các chuyên gia cũng đề nghị Đắk Nông cần chủ động khai thác các tiềm năng phát triển, đặc biệt là yếu tố cửa ngõ vùng Tây Nguyên, chú trọng liên kết vùng. Đồng thời có các đánh giá sâu sắc hơn nhất là các chủ trương của tỉnh để từ đó có các giải pháp phù hợp.