Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc: Nhiều khuyến nghị sát thực
Tại Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa vào chiều nay 22/9, dưới sự chủ trì của Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung và Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai, đã có nhiều ý kiến tham luận, phóng viên Báo Công Thương xin trích lược vài ý kiến tại Hội nghị.
Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương Trần Văn Hảo cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hải Dương (GRDP) ước tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 6 cả nước và thứ 2 Vùng Đồng bằng sông Hồng (6 tháng đầu năm 2021 tăng 4,7%).
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.783,7 tỷ đồng, đạt 66% dự toán năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa 8.450,3 tỷ đồng, đạt 69% dự toán năm (tăng 11%) và có 12 trên 16 khoản thu đạt trên 50% dự toán năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng ước đạt 22.687 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương Trần Văn Hảo tham luận tại Hội nghị |
Trong đó, vốn đầu tư của khu vực kinh tế trong nước 16.166 tỷ đồng (chiếm 71,3%), tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài 6.521 tỷ đồng, tăng 14,9%. Tổng vốn đầu tư công đã giải ngân là 1.565,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 28% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán năm 2022. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 29,2%, vốn ngân sách trung ương nguồn trong nước đạt 23,3%, vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương đạt 24% và vốn bội chi ngân sách địa phương (vay lại ODA) đạt 30,9%.
Thu hút đầu tư trong nước đạt 363 tỷ đồng (bằng 11% so với cùng kỳ năm trước); thu hút đầu tư nước ngoài đạt 167,2 triệu USD (bằng 64,9%). Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập mới 868 doanh nghiệp (tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước), với tổng vốn điều lệ đăng ký 6.998 tỷ đồng (tăng 2,6%); Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 12.731 tỷ đồng, bằng 59,7% kế hoạch năm và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2021 tăng 7,6%).
Tại Hội nghị Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cũng kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương tham gia ý kiến với Bộ Tài chính có chính sách cụ thể hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất hàng năm làm trụ sở đối với các Trung tâm Khuyến công các tỉnh thuộc loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên (Theo Công văn số:13704/BTC-QLCS ngày 01/12/2021 của Bộ Tài Chính V/v thu tiền thuê đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính).
Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số: 16/2011/TTLT-BCT-BNV ngày 05/04/2011 của Bộ Công Thương và Bộ Nội Vụ về việc Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trực thuộc Sở Công Thương để đáp ứng được tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay, trong đó quan tâm hơn đến chức năng hỗ trợ duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống…
Hội nghị cũng được nghe bài tham luận của ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình. Ông Kiên cho biết: Những năm qua với nhiều giải pháp đặt ra, hoạt động khuyến công ở tỉnh Ninh Bình đã được triển khai đồng bộ với hệ thống văn bản quản lý về hoạt động khuyến công tương đối hoàn thiện. Công tác phối kết hợp trong tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đã động viên và huy động được nhiều nguồn lực tham gia, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhất là trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình tham luận tại Hội nghị |
Tuy nhiên những năm gần đây và những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, số ca nhiễm tại cộng đồng tăng nhanh, phát sinh nhiều ổ dịch; bên cạnh đó tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, nhất là căng thẳng chính trị giữa các nước lớn, xung đột vũ trang giữa Nga và U-crai-na đã tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất bị gián đoạn, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, đặc biệt là giá xăng, dầu... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh. Song với sự chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, do đó ngành công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số công nghiệp chỉ số IIP năm 2021 toàn tỉnh Ninh Bình tăng 5,83%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 toàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) đạt 100.105,3 tỷ đồng, vượt 3,8% kế hoạch năm và tăng 6,9% so với năm 2020; 9 tháng đầu năm 2022 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh ước tính tăng 2,1% so với cùng kỳ; Tính theo giá so sánh 2010: Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh ước đạt 73.128 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 67% kế hoạch năm.
Hoạt động khuyến công được triển khai đồng bộ, tác động tích cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho lao động tại địa phương. Định hướng hoạt động khuyến công có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu. Xây dựng các đề án điểm, chỉ đạo Trung tâm Khuyến công về công tác khuyến công, kiện toàn tổ chức bộ máy, mô hình hoạt động cơ sở vật chất cho đơn vị thực hiện.
Để nâng cao hiệu quả của công tác khuyến công trong thời gian tới chúng ta cần chú trọng đến một số giải pháp sau: Chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công của tỉnh cho phù hợp với các văn bản pháp luật của Nhà nước; Bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn vướng mắc, nhu cầu đầu tư đổi mới máy móc thiết bị để lựa chọn hỗ trợ kịp thời; Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác khuyến công theo hướng tăng cường công tác quản lý nhưng cũng giảm bớt thủ tục hành chính cho các cơ sở được lựa chọn tham gia hoạt động khuyến công; Đấy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.
Tại Hội nghị ông Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc sở Công Thương Hòa Bình cho hay: Trong 9 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở CNNT cũng đã cố gắng, nỗ lực khắc phục, duy trì hoạt động sản xuất.
Ông Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc sở Công Thương Hòa Bình tham luận tại Hội nghị |
Các đề án được giao trong 9 tháng đầu năm 2022 đã triển khai đúng theo yêu cầu của Hợp đồng, dự kiến nghiệm thu hoàn thành trong tháng 9 năm 2022. Kinh phí khuyến công hỗ trợ cũng là nguồn động viên kịp thời để cơ sở CNNT tiếp tục phát triển sản xuất. Nhìn chung hoạt động khuyến công trong thời gian qua đã dần đi vào nề nếp, luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra trên cơ sở cụ thể hoá bằng các chương trình, đề án để triển khai thực hiện được thuận lợi và mang lại hiệu quả thiết thực.
Số lượng các đề án, dự án hàng năm có tăng lên và đã mang lại lợi ích cho việc khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp, cơ sở mạnh dạn đầu tư mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững. Thông qua hoạt động khuyến công một số địa phương đã khôi phục nghề truyền thống và mở thêm ngành nghề mới góp phần đáng kể vào đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút ngày càng nhiều lao động nông thôn. Chính vì vậy, mức độ ảnh hưởng, sức lan tỏa của hoạt động khuyến công đến các cơ sở công nghiệp nông thôn, các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng nâng cao.