Hội nghị ADMM-18: Chung tay xây dựng hoà bình, củng cố an ninh và phát triển bền vững
Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam, do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 18 (ADMM-18).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tướng Chansamone Chanyalath, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Chủ tịch ADMM, gửi lời cảm ơn tới các quốc gia ASEAN vì sự ủng hộ dành cho Lào trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, đặc biệt là sự hỗ trợ trong việc tổ chức hội nghị lần này.
Đại tướng Phan Văn Giang tham dự Hội nghị ADMM-18. Ảnh: Báo QĐND |
Đại tướng Chansamone Chanyalath khẳng định, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, hòa bình và an ninh là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Đại tướng cũng bày tỏ mong muốn hội nghị sẽ ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, nhằm tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, giải quyết các thách thức chung, hướng tới mục tiêu xây dựng một ASEAN “hòa bình, ổn định và tự cường”.
Đại tướng Phan Văn Giang, thay mặt đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam, bày tỏ tin tưởng Lào sẽ đảm nhiệm xuất sắc vai trò Chủ tịch ADMM và ADMM+, góp phần củng cố đoàn kết và sức mạnh tập thể ASEAN trong ứng phó với các thách thức an ninh. Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định Việt Nam cam kết ủng hộ Lào ở mức cao nhất để hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN 2024.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) và thông qua nhiều văn kiện quan trọng, bao gồm Tài liệu Chiến lược “ADMM và ADMM+ sẵn sàng cho tương lai”, cùng các chương trình hợp tác an ninh và diễn tập trong khu vực. Hội nghị cũng thống nhất chương trình nghị sự của ADMM+ lần thứ 11, dự kiến diễn ra vào ngày 21/11.
Toàn cảnh Hội nghị ADMM-18. Ảnh: Báo QĐND |
Hội nghị thông qua Tuyên bố chung Vientiane với chủ đề “Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường”, ghi nhận các thách thức địa chính trị, biến đổi khí hậu, mất an ninh năng lượng, khan hiếm lương thực và tác động của công nghệ đối với ổn định khu vực. Tuyên bố nhấn mạnh vai trò của ADMM và ADMM+ trong hợp tác quốc phòng, tái khẳng định vị thế trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, dựa trên luật pháp quốc tế. Đồng thời, tuyên bố đề cao Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) trong hợp tác với đối tác bên ngoài.
Tuyên bố chung ủng hộ việc thực hiện đầy đủ Đồng thuận 5 điểm về Myanmar và nhắc lại cam kết của Myanmar trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và lâu dài cho tình hình hiện nay.
Tuyên bố chung nhắc lại cam kết hợp tác hòa bình và mang tính xây dựng của tất cả các bên để Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng thông qua việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và việc sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.