Thứ hai 30/12/2024 01:36

Hoạt động kinh doanh xăng dầu: sẽ rõ ràng, minh bạch hơn!

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đang cùng với các Bộ ngành liên quan nỗ lực hoàn thiện văn bản trình Thủ tướng Chính phủ nhằm ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu vận hành hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lắng nghe báo cáo của lãnh đạo Tập đoàn Petrolimex

 - Ngày 28/4, tại buổi làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ thị trường hơn, rõ ràng minh bạch hơn.

Sản lượng kinh doanh xăng dầu sụt giảm

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, trong quý 1/2014 thì sản lượng xuất bán nội địa của Tập đoàn giảm mạnh, chỉ bằng 93% so với cùng kỳ và đạt 24% kế hoạch dẫn đến chi phí đồng/lít của các phương thức bán hàng tăng so với cùng kỳ. Ước sản lượng xuất bán 4 tháng đầu năm của Petrolimex chỉ đạt 94% so với cùng kỳ và đạt 33% kế hoạch; trong đó, chỉ có phương thức bán lẻ bằng 103%, các phương thức khác đều giảm, nhất là phương thức bán qua tổng đại lý và đại lý chỉ bằng 80% cùng kỳ. Nguyên nhân của việc sụt giảm này là do tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước giảm.

Theo số liệu thống kê, tổng nhu cầu cả nước giảm khoảng 5,2% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn giảm 7% (giảm vượt 1,8% so với tốc độ giảm nhu cầu của cả nước). Nguyên nhân là do tình hình kinh tế trong nước phục hồi chậm, thời tiết không thuận lợi, thời gian nghỉ Tết kéo dài làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế, nhu cầu đi lại của người dân giảm sút. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự đi vào hoạt động dẫn đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng xuất bán của Tập đoàn. Không những thế, nhiều nguồn hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc còn xâm nhập nhiều vào thị trường, địa bàn của các công ty ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thịnh cho biết, mặc dù sản lượng xuất bán theo phương thức bán lẻ của Tập đoàn bằng 103% so với cùng kỳ, nhưng hiện nay có nhiều đầu mối khác giảm giá bán lẻ so với giá niêm yết của một số công ty tùy từng khu vực. Ngoài ra, với việc tăng thêm các doanh nghiệp đầu mối tham gia thị trường nên tính chất cạnh tranh ngày càng khốc liệt và đang tiếp tục định hình lại thị phần của các doanh nghiệp đầu mối. Hiện nay cả nước có 19 doanh nghiệp đầu mối, tuy nhiên chủ yếu sản lượng tiêu thụ của các đầu mối tập trung ở đầu nguồn, trong khi đó Petrolimex vẫn phải chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung cho các vùng sâu xa, có chi phí cao mà giá bán chưa đủ bù đắp, vì vậy thị phần của Petrolimex tại đầu nguồn chỉ khoảng 30% - 35%.

Ông Trần Văn Thịnh, TGĐ Petrolimex báo cáo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải hoạt động kinh doanh củaTập đoàn

Công tác điều hành kinh doanh xăng dầu của Liên Bộ Tài chính - Công Thương tương đối linh hoạt, theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và theo tinh thần của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, lợi nhuận định mức cấu thành trong giá cơ sở hiện đang thấp hơn nhiều so với quy định, nhất là đối với mặt hàng xăng và dầu hỏa; trong khi chi phí cho phương thức bán lẻ chiếm tỷ trọng cao nhất trong các phương thức và mặt hàng xăng chủ yếu là cho bán lẻ. Hơn nữa, thực chất lợi nhuận định mức chưa bù đắp đủ phần chi phí kinh doanh thực tế nên kinh doanh xăng dầu Quý 1/2014 phát sinh lỗ.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Báo cáo tại buổi làm việc, theo ông Trần Văn Thịnh, từ cuối năm 2012 đến nay, việc điều hành giá xăng dầu đã có nhiều cải thiện, khôi phục được thuế nhập khẩu (đáp ứng mục tiêu thu ngân sách), không âm Quỹ Bình ổn giá (BOG), tần suất sử dụng các công cụ điều hành liên tục hơn, linh hoạt hơn, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; biên độ điều chỉnh thấp, không gây sốc với thị trường. Cụ thể như trong năm 2013, điều chỉnh giá 11 lần, thay đổi mức chi bình ổn giá (BOG) 16 lần và thay đổi thuế nhập khẩu 4 lần tùy từng mặt hàng.

Sau hơn 4 năm thực hiện, việc hình thành Quỹ BOG là cần thiết với mục tiêu quan trọng là để giảm tần suất và mức độ điều chỉnh giá, Quỹ BOG đã trở thành một công cụ tích cực trong công tác điều hành giá xăng dầu. Tuy nhiên, thực tế vận hành Quỹ BOG còn bất cập, phần nào gây bức xúc nhất định trong dư luận xã hội về tính minh bạch của giá xăng dầu.

Trong chi phí kinh doanh định mức cấu thành trong giá cơ sở cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như chi phí kinh doanh định mức theo Thông tư số 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính là cấu thành trong giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ xăng dầu trong nước, tuy nhiên, chi phí kinh doanh định mức so với chi phí thực tế của doanh nghiệp vẫn còn một số bất cập. Trong một thời gian dài hơn 3 năm thực hiện Thông tư số 234/2009/TT-BTC và Nghị định số 84/2009/NĐ-CP duy trì chi phí định mức trong cấu thành giá cơ sở là 600 đồng/lít đã không phản ánh đúng chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Tập đoàn Petrolimex tại buổi làm việc

Mặc dù, bắt đầu từ ngày 28/3/2013, chi phí kinh doanh định mức đã được điều chỉnh từ 600 đồng/lít lên 860 đồng/lít nhưng chi phí này được hình thành từ năm 2010, trong khi chi phí kinh doanh hàng năm đều gia tăng theo biến động giá cả đầu vào. Như năm 2013, chi phí bình quân của Tập đoàn là 945 đồng/lít, trong đó bán lẻ 1.280 đồng/lít. Các khoản chi phí hao hụt khâu nhập và chi phí tài chính chưa được kết cấu vào giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ xăng dầu.

Ngoài ra, hiện nay, chi phí kinh doanh định mức được tính chung, bình quân cho cả hai loại mặt hàng xăng, dầu nhưng, trên thực tế chi phí của hai loại mặt hàng này là khác nhau và có mức chênh lệch khá lớn. Chi phí bán lẻ của Tập đoàn năm 2013 là 1.280 đồng/lít; trong đó, mặt hàng xăng khoảng 1.344 đồng/lít (chưa bao gồm chi phí phát tăng thêm khi kinh doanh xăng E5), mặt hàng điêzen, dầu hỏa khoảng 1.194 đồng/lít (chênh lệch tới 150 đồng/lít).

Nhiều năm qua, được Bộ Công Thương đã phân bổ, giao nhiệm vụ bảo quản hàng dự trữ quốc gia (DTQG) cho Tập đoàn. Trên cơ sở đó, Tập đoàn và các đơn vị thành viên trực thuộc đã chấp hành tốt các quy định và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, kinh phí bảo quản hàng DTQG, Tập đoàn được Nhà nước cấp hàng năm với định mức 14.893 đồng/m3/tháng tại Quyết định số 65/QĐ-BKH ngày 27/1/2003 của Bộ Kế hoạch đầu tư, trong khi các chi phí yếu tố đầu vào như lương, khấu hao, dịch vụ mua ngoài, chi phí khác bằng tiền... liên tục tăng cao. Đặc biệt là chi phí thuê đất (chiếm tỷ trọng lớn) chưa được tính đến trong cấu thành định mức. Mặc dù đã phấn đấu tiết kiệm tối đa chi phí, nhưng do định mức không đủ bù đắp các chi phí thực tế phát sinh, dẫn đến kết quả hoạt động bảo quản hàng DTQG trong những năm gần đây của Tập đoàn bị lỗ rất lớn, như năm 2010 lỗ 16,5 tỷ đồng, 2011 lỗ 28,4 tỷ đồng; 2012 lỗ 49,4 tỷ đồng và 2013 lỗ 51,5 tỷ đồng.

Tăng cường công khai, minh bạch

Tại buổi làm việc, thay mặt cán bộ, nhân viên Tập đoàn, ông Trần Văn Thịnh kiến nghị, hàng năm, chậm nhất vào ngày 15 của tháng đầu năm kế hoạch, Liên Bộ Tài chính, Công Thương công bố chi phí kinh doanh định mức áp dụng cho cả năm kế hoạch trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI), biến động tỷ giá cả năm… trừ trường hợp đột biến.

Tập đoàn cũng báo cáo và kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ liên quan xem xét điều chỉnh định mức chi phí bảo quản hàng DTQG cho phù hợp với thực tế, để tối thiểu bù đắp đủ chi phí phát sinh của Tập đoàn; Cho phép doanh nghiệp được quyền chủ động sử dụng quỹ BOG; Cho phép thương nhân đầu mối được vận hành đầy đủ cả chiều tăng và chiều giảm điều khoản về giá bán xăng dầu theo quy định tại Nghị định 84 có sự quản lý của Nhà nước. Khi Liên Bộ áp dụng biện pháp bình ổn giá thì công bố thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc bình ổn giá để doanh nghiệp được phép điều hành kinh doanh bình thường. Công khai và quy định chi tiết các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở (hao hụt, vận chuyển, bảo hiểm, chi phí tài chính, các khoản thuế nộp Nhà nước…) để hình thành giá bán lẻ, nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý và quá trình thực hiện tại doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã ghi nhận những nỗ lực của Petrolimex trong việc bảo đảm đầy đủ nguồn xăng dầu trong mọi tình huống cho đất nước, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, khen ngợi Petrolimex đã xây dựng được một hệ thống phân phối xăng dầu trải dài khắp cả nước. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ những khó khăn mà Tập đoàn đang gặp phải. Thứ trưởng cũng mong muốn Petrolimex sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của mình trong việc duy trì các hệ thống phân phối xăng dầu. Đồng thời, cam kết Bộ Công Thương sẽ sát cánh cùng các Tập đoàn nói chung và Petrolimex nói riêng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo nguồn cung thị trường, hài hòa lợi ích của người dân cũng như hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương đang cùng với các Bộ ngành liên quan nỗ lực hoàn thiện văn bản trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu vận hành hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; sẽ thị trường hơn, rõ ràng minh bạch hơn. Trước mắt, chấp hành Chỉ thị số 11/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ động, tăng cường hơn nữa việc cung cấp thông tin tại Cổng thông tin điện tử của Bộ (www.moit.gov.vn), tại các kênh thông tin của Bộ và tại website của Petrolimex (www.petrolimex.com.vn) mà xã hội đang quan tâm; góp phần thực hiện minh bạch xăng dầu, tạo lập đồng thuận trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thay mặt ban lãnh đạo Tập đoàn, ông Trần Văn Thịnh, Tổng giám đốc Petrolimex khẳng định, Petrolimex sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định và phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh nhằm đạt được các kế hoạch, mục tiêu đề ra.

Theo CTT Bộ Công Thương

baocongthuong.com.vn
Bài viết cùng chủ đề: Kinh doanh xăng dầu

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch Quốc hội thăm, tặng quà người có công tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng: Đảm bảo quyền lợi người lao động khi tinh gọn bộ máy

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin về hợp nhất 2 Bộ

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Chung Sơn và Khu di tích quốc gia Kim Liên

Ngành Thông tin và Truyền thông: Doanh thu hơn 4,2 triệu tỷ đồng năm 2024

Thủ tướng: Năm 2025 phải là năm bứt phá của Petrovietnam

Phân bổ dự toán kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2025

Bổ sung ngân sách chi an sinh xã hội và chế độ cho giáo viên

'Chốt' mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ 1/1/2025

Thủ tướng yêu cầu ngành Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản tăng trưởng

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024

Công đoàn Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024

Tinh gọn bộ máy: Bộ Nội vụ thông tin về chế độ đối với cán bộ

Ngành Kế hoạch và Đầu tư: Giữ vững tinh thần tiên phong trong cải cách và đổi mới

Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết ngành Kế hoạch và Đầu tư

Nhân sự 27/12: Bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Hà Giang, Bắc Giang có tân Phó Bí thư Tỉnh ủy

Thủ tướng: Ngành Nông nghiệp phải bứt phá trong năm 2025, xuất khẩu đạt 70 tỷ USD

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin về phương án hợp nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Chùm ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2024 của Cục Công nghiệp

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Không để gián đoạn việc thực hiện chính sách an sinh