Hòa Bình: Nhiều cách làm hay giúp hơn 17.000 lao động miền núi có việc làm
Tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình, tính đến hết tháng 10/2023, toàn tỉnh Hòa Bình đạt khoảng 17.162 lao động được tạo việc làm. Trong đó, có gần 800 lao động được tuyển đi xuất khẩu lao động có thời hạn, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn.
Hàng nghìn lao động địa phương tham gia phiên giao dịch việc làm tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình |
Cụ thể, tại phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại huyện Cao Phong mới đây, Trung tâm dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình) đã tư vấn các chính sách về vay vốn ưu đãi cho người lao động, đoàn viên thanh niên... Qua đó, có hàng nghìn người đăng ký tham gia tìm việc làm trong và ngoài nước.
Anh Nguyễn Thế Hiệp (thị trấn Cao Phong) tâm sự: “Tôi có bằng kỹ sư cơ khí chế tạo máy, đã làm ở Hưng Yên được 3 năm nhưng mức thu nhập không được cao. Qua chương trình này, tôi mong muốn được đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản hoặc Hàn Quốc theo đúng ngành nghề đã học, để có thu nhập tốt hơn, ổn định cuộc sống”.
Còn anh Nguyễn Văn Hoàn (xã Hợp Phong, huyện Cao Phong) chia sẻ: “Thông qua phiên giao dịch việc làm lần này, người dân chúng tôi đã được giới thiệu nhiều công việc đa dạng, thu nhập hấp dẫn, từ đó chọn được công việc đúng sở trường. Bản thân tôi cũng đã tìm được công việc phù hợp hơn cho mình, với mức lương tốt, cải thiện cuộc sống".
Theo anh Hoàn, bản thân anh cũng như nhiều người dân khác rất mong muốn cơ quan chức năng tổ chức nhiều hơn những phiên tư vấn việc làm như thế này, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Nhiều đoàn viên thanh niên tích cực tham gia các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hòa Bình tổ chức |
Tăng cường hỗ trợ cung ứng nguồn lao động
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình cho biết: “Từ đầu năm 2023, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ vay vốn cho người lao động tỉnh Hòa Bình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2023-2026 cùng nhiều quy định khác liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm”.
Đặc biệt, phối hợp cung ứng lao động cho các dự án có nhu cầu lao động lớn như: Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện (tỉnh Phú Thọ); Dự án nhà máy xi măng Thành Thắng (tỉnh Hà Nam); Nhà thầu thực hiện công việc thiết kế, mua sắm và xây dựng cho nhà máy điện gió 1D (tỉnh Cà Mau)... Hỗ trợ cho các công ty tuyển chọn lao động đi làm việc trong các khu công nghiệp tại các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang và Hưng Yên.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn hỗ trợ 41 doanh nghiệp đã được cấp phép vào các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Liên Bang Nga…
Người lao động mong muốn cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn, nhất là ở nơi vùng sâu, vùng xa |
Bên cạnh đó, Sở cũng đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp với các địa phương, Tỉnh đoàn, ngành giáo dục triển khai nhiều phiên giao dịch, tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người dân, thanh niên, học sinh các trường THPT ở các xã, huyện vùng cao, vùng sâu. Đặc biệt là người chấp hành xong án phạt tù.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác giải quyết việc làm, chú trọng chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp và giải quyết việc làm tại chỗ theo Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án tại địa phương.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát và đôn đốc tình hình thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm tại các huyện, thành phố trên địa bàn; tiếp tục giới thiệu các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động về các huyện, thành phố để tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm tại các doanh nghiệp và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.