Hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp: Mở rộng tiêu chí, kéo dài thời gian
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt quá khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, phù hợp với nguồn lực tài chính của ngân sách, qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mới đây Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết ban hành một số giải pháp hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2021. Theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, thì các doanh nghiệp có doanh thu trong năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và bị suy giảm doanh thu so với tổng doanh thu của năm 2019 sẽ được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Trước thềm Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26/9/2021, nhiều vấn đề liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó qua đại dịch Covid-19 đã được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng. Trong đó, VCCI kiến nghị, điều chỉnh phạm vi về tiêu chí đối tượng doanh nghiệp được hưởng chính sách giảm thuế TNDN năm 2021 theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính từ mức mức doanh thu không quá 200 tỷ đồng, tăng lên mức doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng. Đối với các trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, mới chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021, VCCI kiến nghị, không phải xem xét đến tiêu chí doanh thu của doanh nghiệp năm 2021 bị suy giảm so với doanh thu của năm 2019. Đồng thời, VCCI còn kiến nghị, kéo dài thời gian hỗ trợ đến hết tháng 6 năm 2022.
Đại dịch Covid-19 đã tác động ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa |
Lý do VCCI đưa ra kiến nghị nêu trên, bởi theo khảo sát của VCCI và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã tác động khó khăn lớn tới cộng đồng doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chịu tác động ảnh hưởng lớn nhất. Nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thuộc khu vực tư nhân phải chịu ảnh hưởng tiêu cực chiếm tới 87,7%, mức suy giảm doanh thu cao hơn các khu vực doanh nghiệp khác. Tỷ lệ lao động phải nghỉ việc tại các doanh nghiệp nhỏ ở khu vực tư nhân chiếm khoảng 40% lực lượng lao động, cao hơn ở các nhóm doanh nghiệp khác. Theo ước tính của VCCI, tính từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trung bình mỗi tháng có hàng chục ngàn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải rút khỏi thị trường.
Để duy trì hoạt động, các doanh nghiệp cần phải có đủ nguồn lực (vốn, tùy theo qui mô hoạt động) để đầu tư khi chi phí hoạt động tăng do Covid-19. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận vốn do không thể đáp ứng được điều kiện vay của ngân hàng. Nguyên nhân ngoài do quy mô nhỏ, thì kinh nghiệm và khả năng quản lý còn nhiều hạn chế, chất lượng thông tin của doanh nghiệp thấp, báo cáo tài chính không đủ độ tin cậy hoặc không qua kiểm toán độc lập, năng lực sản xuất, kinh doanh nhiều hạn chế khiến các phương án cho vay của ngân hàng nhiều rủi ro, thì đa số doanh nghiệp nhỏ đều không có đủ tài sản, tài sản không đủ giá trị để thế chấp, hoặc tính pháp lý của tài sản chưa rõ ràng... Cho nên, dù có đưa ra các chính sách ưu đãi giảm lãi suất cho vay, thì các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn khó lòng tiếp cận được vốn tín dụng.
Vốn khó tiếp cận, doanh thu sụt giảm, chi phí tăng, VCCI cho rằng, việc ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, trong đó có giảm thuế TNDN để hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nói riêng vượt qua khó khăn trong năm 2021 là cần thiết. VCCI nhận định, sớm nhất cũng phải đến quý II/2022 các hoạt động kinh tế mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, khi đó các doanh nghiệp mới có điều kiện thuận lợi hơn để tăng tốc hồi phục. Trong khi giải pháp hỗ trợ về thuế TNDN vẫn chỉ giới hạn trong năm 2021. Trên thực tế đã cho thấy, có không ít doanh nghiệp hoạt động không có doanh thu, đã tạm ngừng hoặc ngừng hẳn hoạt động, cho nên số lượng doanh nghiệp có tiếp cận được chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế TNDN cũng không phải quá nhiều. Để đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và có hiệu lực thực tế của chính sách hỗ trợ, ngoài nới rộng tiêu chí về doanh thu được hỗ trợ, VCCI cho rằng, cần xem xét điều chỉnh thời hạn áp dụng hỗ trợ thuế TNDN đến hết tháng 6/2022.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).