Hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp xanh, nhanh và bền vững
Hội nghị đối thoại “Hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp xanh, nhanh và bền vững” giữa Chủ tịch UBND /chu-de/tinh-son-la.topic, ông Hoàng Quốc Khánh với nông dân diễn ra 3 phiên: Phát triển nông nghiệp bền vững; Liên kết chuỗi và chuyển đổi số trong nông nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Hoàng Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Hoàng Quốc Khánh đề nghị, đối với các đại biểu là nông dân, doanh nghiệp, HTX tham gia đối thoại phát huy tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tập trung thảo luận, trao đổi, nêu ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể trên các lĩnh vực, trong đó, tập trung vào các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang nhận được sự quan tâm của nông dân và toàn xã hội. Đồng thời, hiến kế, tham góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững; phát huy vai trò chủ thể của nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh...
Đối với các sở, ngành, cơ quan có liên quan khi được nông dân nêu câu hỏi, kiến nghị, đề xuất cần nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến; Trả lời đúng - trúng - thỏa đáng, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu; Không qua loa, né tránh, đảm bảo đúng quy định đối với các ý kiến, kiến nghị.
Toàn cảnh Hội nghị “Hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp xanh, nhanh và bền vững” |
Tại hội nghị đối thoại “Hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp xanh, nhanh và bền vững”, UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Sơn La đã trả lời 15 câu hỏi của nông dân trong tỉnh. Các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, xoay quanh: Giải pháp lâu dài để tăng giá trị của sản phẩm sản xuất nông nghiệp; Giải pháp để giúp đỡ, giải quyết khó khăn cho nông dân khi chi phí đầu như vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi đều tăng cao, nhưng đầu ra giá bán lại thấp, có lúc dưới giá thành sản xuất. Bên cạnh đó là công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản; Tháo gỡ khó khăn trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cho địa phương.
Thay mặt lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dự Hội nghị “Hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp xanh, nhanh và bền vững”, ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao các câu hỏi của nông dân Sơn La. Những vấn đề mà đại biểu nông dân nêu ra được UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến; Trả lời thẳng trọng tâm vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu, đảm bảo đúng quy định đối với các ý kiến, kiến nghị. Ông Đinh Khắc Đính đề nghị UBND tỉnh Sơn La tiếp tục quan tâm, tạo thêm cơ chế, nguồn lực cho các tổ chức Hội và hội viên nông dân được tiếp tục đóng góp vào những thành tựu trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh nhà, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đã đề ra.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Hoàng Quốc Khánh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các diễn đàn, các buổi gặp gỡ, hội nghị đối thoại, để nông dân có cơ hội giao lưu, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những đề xuất của mình; được định hướng, tạo điều kiện cho những ý tưởng khởi nghiệp, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo thêm động lực, ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng.
Chủ tịch tỉnh Sơn La yêu cầu các sở, ban, ngành nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của nông dân; Rà soát các quy định, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Để từ đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, để các nghị quyết, cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Đồng thời tiếp tục tham mưu các giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị trên một diện tích, khuyến khích nông dân đầu tư, phát triển.