Hiểu rõ và tuân thủ quy định về ghi nhãn hóa chất
Vi phạm vẫn diễn ra
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường phát hiện lô hàng 8.125kg hóa chất dùng để xử lý nước có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ Việt Nam, trên một phương tiện vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến Hậu Giang.
Lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện lô hàng 8.125kg hóa chất dùng để xử lý nước có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ Việt Nam |
Cụ thể, phát hiện trên xe đang vận chuyển tổng cộng 8.125kg hóa chất dùng để xử lý nước; gồm 1.500kg hóa chất hiệu PAC xuất xứ Ấn Độ, 5.500kg hiệu PAC và 1.125kg hiệu Chlorine xuất xứ Trung Quốc tổng trị giá hàng hóa hơn 100 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Đây chỉ là một vi phạm điển hình về việc ghi nhãn hàng hàng hóa không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nhãn phụ được hiểu là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu. Nhãn phụ của sản phẩm là một trong những vấn đề mà những người kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài cần quan tâm.
Trên thực tế, tình trạng hàng hóa “quên” ghi ngày sản xuất, nơi sản xuất, ghi nhãn mác mập mờ, thiếu trung thực để đánh lừa người tiêu dùng khá phổ biến. Ngoài ra, tình trạng nhãn mác in sai quy cách về cỡ chữ, kiểu chữ hoặc dán nhãn mác không đúng vị trí quy định trên hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu không có tem nhãn phụ cũng là những sai phạm dễ gặp. Những loại hàng hóa mập mờ về nhãn mác thường là hàng giả, hàng nhái “ăn theo” những thương hiệu sản phẩm nổi tiếng. Hiểu một cách đơn giản, hàng hóa bất thường mới sử dụng nhãn mác không bình thường.
Hóa chất nhập khẩu lưu thông trên thị trường phải tuân thủ quy định nhãn hàng hóa
Hiện thị trường Việt Nam xuất hiện các loại hóa chất nhập khẩu 100% từ nước ngoài ngày càng nhiều và để nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam, pháp luật quy định về nhãn phụ nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết được các thông tin cơ bản của sản phẩm, hạn chế vấn đề bất đồng ngôn ngữ. Đồng thời để sản phẩm có thể được lưu thông, phân phối đến tay người tiêu dùng đúng theo quy định của pháp luật hoặc để tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng thì doanh nghiệp nước ngoài cần in và dán nhãn phụ trên sản phẩm.
Liên quan đến quy định về ghi nhãn hóa chất, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) lưu ý, theo quy định về nhãn hóa chất tại Thông tư số 32/2017/TT-BCT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP cụ thể, nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hóa chất bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hóa chất còn thiếu.
Theo đó, hóa chất lưu thông trên thị trường phải tuân thủ và thực hiện theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa: Nhãn phụ được sử dụng đối với hóa chất nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tuân theo quy định hướng dẫn về nhãn hàng hóa.
Ngoài ra đối với hàng hóa nói chung, nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
Theo Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đối với hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam vi phạm có giá trị từ trên 3.000.000 đồng có thể phát tiền từ 1 triệu đến 100 triệu đồng. |