Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy khuyến cáo, đăng thông tin hướng dẫn sau vụ cháy chung cư mini
Vụ hỏa hoạn tại chung cư mini Khương Đình (Hà Nội) vào đêm 12/9 vừa qua đã mang lại hậu quả nghiêm trọng với số người bị thương lớn, trong đó một số người đã tử vong.
Ông Bùi Xuân Thái- Trưởng Ban thông tin, truyền thông Hiệp hội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam (VFRA) cho biết: Vụ hỏa hoạn là hồi chuông báo động cho công tác phòng cháy chữa cháy nói chung và công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho loại hình chung cư nói chung và chung cư mini nói riêng.
Theo ông Bùi Xuân Thái, chung cư mini là loại hình nhà ở khá thịnh hành tại Hà Nội và một số đô thị lớn Việt Nam và nó đã giải quyết nhu cầu nhà ở cho một bộ phận người dân. Trên thực tế chung cư mi ni có một số đặc thù riêng, do đó dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khá cao.
Cụ thể, đối với chung cư mini khi xây dựng các chủ đầu tư thường xin giấy phép xây dựng dưới dạng nhà ở dân dụng sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng sang cho thuê hoặc bán căn hộ với số lượng người ở rất đông.
“Tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng này khiến hệ thống dây dẫn điện trong tòa nhà chung cư không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của số đông người dân dẫn đến quá tải chập cháy hệ thống dây dẫn điện”- ông Thái cho biết.
Bên cạnh đó xây dựng ban đầu là nhà ở dân dụng dẫn đến các thiết bị hệ thống PCCC không đảm bảo theo quy định nên dẫn đến phương tiện cá nhân xe đạp điện, xe máy điện dưới hầm chung cư mini cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Công an tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn người dân tại các chung cư sử dụng thiết bị an toàn, phòng cháy chữa cháy. Ảnh minh họa |
Cùng với đó, các căn hộ chung cư mini dạng căn hộ khép kín với cửa chính, cửa sổ rất kiên cố và được trang bị khung sắt cố định. Do vậy, khi xảy ra sự cố cháy nổ việc thoát nạn là rất khó khăn.
Nhiều chung cư mini được xây dựng trong các ngõ nhỏ, hẹp và sâu nên dẫn đến khi có sự cố cháy nổ công tác tiếp cận của lực lượng chức năng để cứu nạn, cứ hộ gặp nhiều cản trở.
Nói về sự khác biệt trong hệ thống phòng cháy chữa cháy giữa chung cư thông thường và chung cư mini, ông Thái cho hay: “Theo tìm hiểu cá nhân của tôi, các chung cư thông thường khi xây dựng được cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy thẩm định, phê duyệt và nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy trước khi tòa nhà đưa vào sử dụng. Trong khi các chung cư mini xin giấy phép xây dựng dưới dạng nhà ở dân dụng, trong quá trình xây dựng chủ đầu tư lại nhỏ các phòng dưới dạng căn hộ để bán hoặc cho thuê. Do vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC của các chung cư mini xây dựng theo hình thức này là không đảm bảo an toàn PCCC."
Ông Thái cho biết thêm, các chung cư mini xây dựng thường trên diện tịch nhỏ hẹp, do đó ít làm lối thoát nạn và để tiết kiệm chi phí thường "né" các quy định về PCCC, nguyên nhân là do các chung cư mini dưới dạng được xếp vào diện nhà ở hộ gia đình, cơ quan cảnh sát PCCC kiểm tra đảm bảo an toàn PCCC dưới dạng nhà ở kết hợp kinh doanh.
Từ thực tế trên cho thấy bất cập về công tác PCCC chung cư mini, hệ thống PCCC và phương tiện PCCC ở các chung cư mini không đảm bảo và đầy đủ hoặc mang tính hình thức, các lối thoát nạn không đầy đủ hoặc nhỏ hẹp hoặc bị cản trở do để xe hoặc đồ vật.
Theo ông Bùi Xuân Thái, để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại khi hỏa hoạn xảy ra, công tác đảm bảo an toàn PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, người dân và chủ đầu tư phải tích cực phòng ngừa hạn chế thấp nhất các nguy cơ gây cháy.
Ngoài các khuyến cáo của các cơ quan chức năng, VFRA cũng có thêm khuyến cáo đến người dân và chủ chung cư mini.
Theo đó, về phía chủ đầu tư cần đảm bảo số lượng lối thoát nạn của chung cư. Lối thoát nạn bên dưới cần đảm bảo thông thoáng không bị cản trở bởi hàng hóa, xe cộ ngăn chặn.
Lối thoát nạn trên cao (lối ra ban công, lên sân thường) cần đánh giá tình hình an ninh của khu vực nếu đảm bảo an toàn nên dỡ bỏ các khung sắt, trong trường hợp không thể dỡ bỏ khung sắt cần trang bị khóa và đảm bảo có thể mở khóa kịp thời thoát nạn khi có hỏa hoạn xảy ra.
Chủ đầu tư và người dân trong chung cư thường xuyên kiểm tra hệ thống diện, dây dẫn điện trong tòa chung cư, nếu không đảm bảo hoặc có nguy cơ cần thay thế dường dây để đảm phụ tải điện, các phích cắm đảm bảo an toàn và tiêu chuẩn an toàn về điện.
Khu vực xe điện và sạc xe điện cần được sắp xếp khu vực riêng. Ảnh Cấn Dũng |
Đối với các bãi để xe, khu vực xe điện và sạc xe điện cần được sắp xếp khu vực riêng, hệ thống điện đảm bảo đủ tải cho công tác nạp điện, và thường xuyên kiểm tra. Chủ đầu tư cần trang bị phương tiện chuyên dụng chữa cháy đối với xe điện và thường xuyên bố trí lực lượng bảo vệ /người trực 24/24h và kiểm tra khu vực bảo quản xe điện nói riêng.
Có thể đầu tư bổ sung thêm thiết bị cảnh báo cháy sớm và trên hết người dân cần trang bị các kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm và ứng phó khi cháy, nổ xảy ra.
Hiện trên Website của VFRA và Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã đăng tải tài liệu hướng dẫn và hình ảnh/ clip kỹ năng thoát nạn để người dân tham khảo và ứng phó khi có sự cố xảy ra.