Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ: Thúc đẩy hợp tác, nâng cao khả năng cạnh tranh
Du lịch - ngành dịch vụ được ưu tiên hội nhập |
Đến nay, các nước ASEAN đã ký gần 10 gói cam kết về thương mại dịch vụ. Các cam kết trong AFAS đều có phạm vi rộng và mức độ tự do hóa sâu hơn so với cam kết trong khuôn khổ WTO.
Chia sẻ tại tọa đàm “Cơ hội cho doanh nghiệp Hà Nội khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)” diễn ra ngày 8/1, ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - cho biết: Việt Nam tham gia AEC sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển các ngành kinh tế, trong đó có lĩnh vực dịch vụ. Việt Nam đã cam kết tự do hóa nhiều phân ngành dịch vụ ưu tiên hội nhập như: Du lịch, y tế, công nghệ thông tin và logistic.
Cụ thể: Với ngành Y tế, Việt Nam đồng ý xỏa bỏ yêu cầu vốn để thành lập cơ sở cung cấp dịch vụ bệnh viện, nha khoa và khám bệnh tại Việt Nam. Trong ngành công nghệ thông tin, Việt Nam không cam kết rộng hơn so với WTO, ngoại trừ cho phép góp vốn nước ngoài lên tới 70% trong liên doanh để cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng.
Mặt khác, với du lịch, đối với dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour, mặc dù Việt Nam có đặt ra yêu cầu doanh nghiệp FDI phải liên doanh với doanh nghiệp trong nước để cung cấp dịch vụ nhưng không hạn chế số vốn góp của nước ngoài. Việt Nam cũng yêu cầu hướng dẫn viên du lịch trong doanh nghiệp FDI phải là công dân Việt Nam. Bên cạnh đó, loại hình doanh nghiệp này chỉ được phép cung cấp dịch vụ đưa khách vào du lịch tại Việt Nam và cung cấp thêm dịch vụ lữ hành nội địa nếu dịch vụ này nằm trong gói dịch vụ du lịch Việt Nam. Việt Nam chưa cho phép doanh nghiệp FDI đưa khách ra du lịch nước ngoài.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - nhìn nhận: AEC tác động tích cực đến du lịch Việt Nam, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các quốc gia trong khu vực. Bởi lẽ, khi doanh nghiệp trong khối có thể hợp tác, liên doanh với nhau sẽ phát triển được sản phẩm du lịch ASEAN; góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cho Việt Nam, đồng thời tranh thủ được nguồn khách nối tour trong khu vực để tăng thêm sức hấp dẫn.
Đáng chú ý, Việt Nam mở cửa thêm dịch vụ công viên chủ đề (theme park) để thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này, từ đó nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Việt. Việt Nam cho phép vốn FDI lên tới 70% trong liên doanh nhưng duy trì khả năng phân biệt đối xử giữa DN trong nước và nước ngoài khi đầu tư xây dựng, vận hành công viên.
Vận tải hàng không là lĩnh vực hội nhập chuyên ngành đặc thù trong ASEAN. Việt Nam cam kết mở cửa dịch vụ bán và tiếp thị vận tải hàng không, không có yêu cầu bắt buộc phải có đại lý hoặc văn phòng bán lẻ tại Việt Nam như trong WTO. Doanh nghiệp FDI cũng không bị hạn chế khi cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay kèm/không kèm đội bay, dịch vụ giao nhận hàng hóa vận chuyển theo đường hàng không.
Đối với dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch, Việt Nam đặt ra yêu cầu doanh nghiệp FDI phải liên doanh với doanh nghiệp trong nước để cung cấp dịch vụ nhưng không hạn chế số vốn góp của nước ngoài. |