Hiệp định được ký kết giữa Hồng Kông và 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 11/2017, chính thức bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/6/2019 với các nước Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Lào và Myanmar. Hiệp định có các điều khoản giảm thuế hàng hóa, đẩy mạnh dòng chảy dịch vụ và đầu tư giữa các thị trường trong khu vực và Hồng Kông.
Linh kiện điện tử - sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang thị trường Hồng Kông |
Thực thi AHKFTA, Việt Nam loại bỏ thuế xuất nhập khẩu đối với 75% hàng hóa được liệt kê tại biểu thuế quan trong vòng 10 năm và giảm thuế với thêm khoảng 10% hàng hóa trong vòng 14 năm. Ngoài ra, thỏa thuận đầu tư trong khuôn khổ hiệp định sẽ đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ được đối xử công bằng với nhà cung cấp dịch vụ trong nước, đồng thời, giảm thiểu hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ. Điều này tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút mạnh hơn nữa các nhà đầu tư từ Hồng Kông.
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, AHKFTA là một bước tiến mới trong nỗ lực đảm bảo tự do thương mại toàn cầu và là một thành công lớn cho ASEAN, trong đó có Việt Nam.
5 tháng đầu năm 2019, Hông Kông đứng đầu trong số các thị trường đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 5,08 tỷ USD. Về thương mại, năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Hồng Kông đạt kim ngạch 7,9 tỷ USD.
Đánh giá của Cục Xúc tiến mậu dịch Hồng Kông cho thấy, 90% hàng hóa trên thị trường Hong Kong được nhập khẩu từ các quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam. Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) có cảng trung chuyển hàng hóa lớn, trung tâm tài chính, thương mại quan trọng của châu Á và thế giới, nơi tập trung nhiều trụ sở các công ty lớn của châu Á- Thái Bình Dương, đồng thời là thị trường tái xuất khẩu, nên doanh nghiệp Việt Nam có thể thông qua vùng lãnh thổ này để tiếp cận tới các thị trường khác trên thế giới.
Để tiếp cận thị trường Hồng Kông, doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng mối quan hệ kinh doanh gắn bó với các đối tác trên thị trường này như thiết lập đại lý đáng tin cậy, làm việc với công ty xuất khẩu trung gian, công ty mua hàng hoặc đối tác kinh doanh; tổ chức khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu thị trường, xác định rõ ràng mã HS. Ngoài ra, hàng hóa sản xuất cần đáp ứng quy tắc xuất xứ, có C/O ưu đãi tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm được sản xuất/sở hữu bởi cá nhân/doanh nghiệp...
Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh – khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần lựa chọn các giải pháp xúc tiến phù hợp với chi phí thấp như quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp bằng phương tiện trực tuyến thông qua tổ chức xúc tiến mậu dịch của Hồng Kông; quảng cáo sản phẩm, thương hiệu, tham gia hội chợ chuyên ngành quốc tế tại Hồng Kông.