Tuy nhiên, năm 2020 đang trên đà trở thành một trong những năm ấm nhất được ghi nhận và năm 2016 - 2020 dự kiến sẽ là khoảng thời gian 5 năm ấm nhất được ghi nhận.
Theo WMO, hiện tượng thời tiết La Nina có thể kéo dài đến năm 2021, ảnh hưởng đến nhiệt độ, lượng mưa và các hình thái bão ở nhiều nơi trên thế giới. Có khả năng cao (90%) nhiệt độ bề mặt biển nhiệt đới Thái Bình Dương duy trì ở mức La Nina cho đến cuối năm 2020 và có thể đến quý 1/2021 (55%). La Nina năm 2020 dự kiến sẽ ở mức trung bình đến mạnh. Lần gần đây nhất có sự kiện La Nina mạnh là vào năm 2010-2011, tiếp theo là một sự kiện ôn hòa vào năm 2011-2012. Đã có một loạt trận lụt ở Pakistan và Tây Bắc Ấn Độ trong năm 2010 được cho là do hiện tượng thời tiết này.
La Nina có nghĩa là sự lạnh đi quy mô lớn của nhiệt độ bề mặt đại dương ở trung tâm và đông xích đạo Thái Bình Dương, cùng với những thay đổi trong hoàn lưu khí quyển nhiệt đới, cụ thể là gió, áp suất và lượng mưa. Nó có những tác động ngược lại đến thời tiết và khí hậu như El Nino, là giai đoạn ấm áp của Dao động phương Nam El Nino (ENSO). Khu vực châu Phi và Trung Á sẽ có lượng mưa dưới mức trung bình do ảnh hưởng của La Nina. WMO cảnh báo Đông Phi sẽ có những điều kiện khô hạn hơn bình thường, cùng với những tác động hiện có của cuộc xâm lược châu chấu sa mạc, có thể làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực trong khu vực.
La Nina cũng có thể ảnh hưởng đến mùa bão nhiệt đới Tây Nam Ấn Độ Dương, làm giảm cường độ. Đông Nam Á, một số đảo ở Thái Bình Dương và khu vực phía bắc của Nam Mỹ dự kiến sẽ nhận được lượng mưa trên mức trung bình. Ở Ấn Độ, La Nina có nghĩa là nước này sẽ nhận được lượng mưa nhiều hơn bình thường, dẫn đến lũ lụt. “El Nino và La Nina là những động lực chính, xuất hiện tự nhiên của hệ thống khí hậu Trái đất. Nhưng tất cả các hiện tượng khí hậu xảy ra tự nhiên đều diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm trầm trọng thêm thời tiết khắc nghiệt và ảnh hưởng đến chu trình nước. Hiện tượng La Nina phát triển khi gió mạnh thổi vùng nước ấm trên bề mặt Thái Bình Dương ra khỏi Nam Mỹ và về phía Indonesia. Thông thường La Nina có nghĩa là các quốc gia như Indonesia và Australia có thể nhận được nhiều mưa hơn bình thường và gió mùa hoạt động mạnh hơn xảy ra ở Đông Nam Á.
WMO công bố hiện tượng La Nina ngay bây giờ để các chính phủ có cơ hội huy động quy hoạch trong các lĩnh vực quan trọng như quản lý thiên tai và nông nghiệp. Một khía cạnh quan trọng của La Nina là ảnh hưởng của nó đối với phần còn lại của mùa bão Đại Tây Dương. Sự kiện La Nina làm giảm lực cắt gió, tức là sự thay đổi gió giữa bề mặt và các tầng trên của khí quyển. Điều này cho phép các cơn bão phát triển. Mùa bão thường kết thúc vào ngày 30/11 và cho đến nay đã có 27 cơn bão được đặt tên. Con số này cao hơn 25 cơn bão theo dự đoán của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) vào đầu năm nay.