Ukraine sử sụng vũ khí “hết hạn”?
Theo phân tích của hãng tin Sputnik, một số tên lửa ATACMS cũ trong kho vũ khí của Mỹ được cam kết chuyển giao cho Ukraine đã hết hạn vào năm 2015 và cần hơn 1 tỷ USD tiền cải tiến để kéo dài thời gian sử dụng.
Tên lửa ATACMS khai hỏa từ bệ phóng mặt đất. Ảnh: GettyImages |
Được biết, thông tin Mỹ cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa ATACMS đã dẫn đến những đồn đoán về tác động có thể xảy ra của tên lửa này trên chiến trường, với tầm bắn hiệu quả lên tới 300 km (186 dặm).
Tuy nhiên, theo Sputnik, các báo cáo ngân sách hàng năm của Mỹ lại vẽ ra một bức tranh khác. Trang báo này nhận định, ATACMS cũ dường như đã trở thành gánh nặng tài chính lớn cho Quân đội Mỹ, khi nước này tìm cách nâng cấp hệ thống tên lửa.
Theo báo cáo ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ về hoạt động mua sắm tên lửa, một số ATACMS trong kho vũ khí của quân đội Mỹ đã hết hạn từ năm 2015. Trong năm tài chính 2016, bắt đầu từ ngày 1/10/2015, Quân đội Mỹ đã phải chi 30,1 triệu USD để sửa đổi "10 tài sản (ATACMS) đã hết hạn và thiết lập lại thời hạn sử dụng", báo cáo ngân sách cho năm tài chính 2016 cho biết.
Vì ATACMS có thời hạn sử dụng là 10 năm nên 10 tên lửa được cải tiến vào năm 2015 dự kiến sẽ lại hết hạn sử dụng vào năm 2025. Từ các năm tài chính 2016-2021, Quân đội Mỹ đã chi tổng cộng 1,22 tỷ USD để cải tiến 1.075 đơn vị ATACMS.
Ngoài ra, Quân đội Mỹ đã mua thêm 240 đơn vị ATACMS trong năm tài chính 2020 để nâng tổng số đơn vị được mua lên 1.575 đơn vị, tính đến tháng 3/2023, khi báo cáo ngân sách cho năm tài chính 2024 được công bố.
Trong khi đó, Quân đội Mỹ đã cố gắng thay thế ATACMS bằng tên lửa tấn công chính xác (PrSM) mới hơn và mạnh hơn trong những năm gần đây. Theo báo cáo ngân sách mới nhất cho năm tài chính 2025, quân đội Mỹ đã dần dần bổ sung thêm nhiều đơn vị PrSM vào kho vũ khí của mình trong ba năm tài chính vừa qua. Số lượng đơn vị PrSM mới mà quân đội Mỹ mua đã tăng từ 42 đơn vị trong năm tài chính 2023 lên 110 đơn vị trong năm tài chính 2024 và lên 230 đơn vị trong năm tài chính 2025.
Trong khi mỗi đơn vị ATACMS có giá khoảng 1 triệu USD, thì giá của PrSM là hơn 2 triệu USD cho mỗi đơn vị.
Tờ Sputnik nhận định: "Điều này có thể giải thích tại sao Ukraine nhận được 33,3 tỷ USD vũ khí thông qua Cơ quan Rút quân của Tổng thống (PDA), trong khi Mỹ phải chi 45,7 tỷ USD để mua vũ khí mới nhằm bổ sung kho dự trữ của mình, theo số liệu từ Ukraine Oversight, một trang web thuộc tổng thanh tra đặc biệt của Chiến dịch Atlantic Resolve".
“Washington chỉ đơn giản là tận dụng cơ hội để loại bỏ các vũ khí hết hạn, chẳng hạn như ATACMS trong kho vũ khí của mình và nâng cấp các hệ thống vũ khí của mình bằng các khoản tiền qua "viện trợ quân sự cho Ukraine”, trang báo này nhận định.
Israel không kích dữ dội vào Gaza
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức y tế ở bắc Gaza vào sáng 21/11, cho biết, quân đội Israel đã ném bom ít nhất năm ngôi nhà đông dân cư ở vùng đất này, khiến nhiều người thương vong. Các hoạt động cứu hộ đang được tiến hành vì nhiều người vẫn mất tích hoặc bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, các nhân viên y tế cho biết.
Truyền thông Hamas đưa tin, chưa có số liệu thương vong chính xác nào đưa ra từ Bộ Y tế Gaza. Quân đội Israel không đưa ra bình luận ngay lập tức nhưng đã nhiều lần cáo buộc Hamas phóng đại số người thương vong.
Trước đó vào thứ Tư, các quan chức y tế Gaza cho biết, các cuộc không kích của quân đội Israel trên khắp vùng đất này đã làm thương vong ít nhất 48 người. Các nhân viên y tế Gaza cho biết, các vụ việc bao gồm các cuộc tấn công vào nhà cửa và trường học nơi trú ẩn của những người phải di dời ở trung tâm Gaza, vụ đánh bom một bệnh viện ở phía bắc Gaza và các cuộc không kích vào khu vực được chỉ định là Al-Mawasi và Rafah ở phía nam Gaza.
Các quan chức Palestine và Liên hợp quốc cho biết, không có nơi nào trong vùng đất này là an toàn. Ông Hussam Abu Safiya, Giám đốc Bệnh viện Kamal Adwan ở Beit Lahiya cho biết, một trong ba cơ sở y tế hầu như không hoạt động ở khu vực phía Bắc, và bệnh viện "đã bị đánh bom ở tất cả các khoa mà không có cảnh báo trước, khi chúng tôi đang cố gắng cứu một người bị thương trong phòng chăm sóc đặc biệt" vào thứ Ba. "Sau khi bắt giữ 45 thành viên của đội ngũ y tế và phẫu thuật và từ chối cho nhóm thay thế vào, chúng tôi hiện đang mất đi những bệnh nhân bị thương hàng ngày, những người có thể đã sống sót nếu có đủ nguồn lực", ông Safiya nói. "Thật không may, xe chở đồ cứu trợ thực phẩm và nước uống không được phép vào tiến vào Gaza, và thậm chí không một xe cứu thương nào được phép tiến vào từ phía Bắc".
Các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza đã tập trung trong nhiều tuần ở rìa phía Bắc của lãnh thổ, nơi quân đội đã bao vây ba thị trấn lớn và ra lệnh cho người dân phải sơ tán. Người dân ở ba thị trấn là Jabalia, Beit Lahiya và Beit Hanoun cho biết, lực lượng Israel đã cho nổ tung hàng chục ngôi nhà. Người Palestine cho biết, Israel có vẻ quyết tâm di dời dân cư khỏi khu vực này vĩnh viễn để tạo ra vùng đệm dọc theo rìa phía Bắc của Gaza, điều mà Israel phủ nhận.
Phát biểu trong chuyến thăm Gaza hôm thứ Ba, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, Hamas sẽ không cai trị vùng đất Palestine này sau khi chiến tranh kết thúc và Israel đã phá hủy năng lực quân sự của lực lượng này.
Ông Netanyahu cũng cho biết, Israel không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm 101 con tin còn lại được cho là vẫn còn ở trong vùng đất này, và ông đã đưa ra phần thưởng 5 triệu đôla cho mỗi người được trả tự do.
Về phần mình, phía Hamas muốn có một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, trong khi ông Netanyahu đã nhiều lần tuyên bố rằng chiến tranh chỉ có thể kết thúc khi Hamas bị tiêu diệt.
Lãnh đạo Hamas từ chối trao đổi con tin với Israel
Hãng tin Reuters dẫn lời quyền lãnh đạo lực lượng Hamas tại Gaza, ông Khalil al-Hayya trong bài phát biểu phát sóng hôm 20/11 cho rằng sẽ không có thỏa thuận trao đổi con tin lấy tù nhân với Israel trừ khi cuộc chiến kết thúc.
"Nếu chiến tranh không kết thúc, sẽ không có cuộc trao đổi tù nhân nào", ông Hayya cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al-Aqsa, nhắc lại lập trường của nhóm về cách chấm dứt chiến tranh. "Nếu cuộc chiến chưa chấm dứt, thì tại sao lực lượng kháng chiến và đặc biệt là Hamas lại phải trả tự do cho các tù nhân con tin?", ông nói.
Những nỗ lực đàm phán lệnh ngừng bắn ở Gaza trong thời gian qua đã bị đình trệ, và hôm 20/11, Mỹ đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn vô điều kiện và vĩnh viễn. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc cho biết, nước này sẽ chỉ ủng hộ một nghị quyết nêu rõ ràng là phải thả ngay lập tức các con tin Israel như một phần của thỏa thuạn ngừng bắn.
Ông Hayya, người dẫn đầu nhóm đàm phán Hamas trong các cuộc đàm phán với các nhà trung gian Qatar và Ai Cập, đã đổ lỗi cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc không đạt được tiến triển. Ngược lại, ông Netanyahu đã nhiều lần cho rằng Hamas phải chịu trách nhiệm cho các cuộc đàm phán bị đình trệ.
Trong tuyên bố hôm 20/11, ông Hayya nói: "Có những cuộc tiếp xúc đang được tiến hành với một số quốc gia và nhà trung gian để khôi phục cuộc đàm phán. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục những nỗ lực đó nhưng điều quan trọng hơn là phải thấy được ý chí thực sự từ phía Israel để chấm dứt hành động quân sự", ông Hayya nói. "Thực tế chứng minh rằng chính ông Netanyahu là người phá hoại các cuộc đàm phán", ông nói thêm.
Ông Hayya cũng cho biết, Hamas đã hoan nghênh đề xuất của Ai Cập về việc Hamas thành lập một ủy ban hành chính với Đảng Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas để điều hành Dải Gaza, một động thái giải quyết câu hỏi nổi cộm về cách điều hành vùng đất này khi giao tranh kết thúc.
"Nhưng vẫn chưa có thỏa thuận nào được hoàn tất", ông Hayya cho biết. Phía Israel bác bỏ bất kỳ vai trò nào của Hamas trong việc quản lý Gaza sau chiến tranh và cũng không tin tưởng Chính quyền Palestine của ông Abbas sẽ tiếp quản việc điều hành vùng đất này.