Thứ ba 26/11/2024 16:14

Hiến kế phát triển ngành dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Có vị trí địa kinh tế quan trọng của miền Bắc, tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics tỉnh Phú Thọ vẫn chưa phát huy tối đa lợi thế "cửa ngõ" trung chuyển hàng hóa.

Vẫn còn những nút thắt

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển dịch vụ logistics tỉnh Phú Thọ năm 2024 diễn ra ngày 26/3, ông Trần Đức Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - khẳng định, Phú Thọ có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ logistics, có vai trò trung tâm đầu mối, trung chuyển giữa Vùng Trung du và miền núi phía Bắc với Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Một góc cảng cạn Hải Linh, Phú Thọ. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Cùng với những lợi thế, ông Trần Đức Nghĩa cũng chỉ ra những điểm nghẽn mà Phú Thọ cần phải tháo gỡ. Cụ thể, Phú Thọ ở vị trí ngã ba hội tụ 3 con sông gồm: sông Hồng, sông Đà và sông Lô, do đó, vận tải từ cảng Hải Phòng lên Phú Thọ đặc biệt phù hợp với đường thủy nội địa. Tuy nhiên, hiện nay, độ cao tĩnh không cầu Đuống đang cản trở tàu container từ Hải Phòng lên các cảng cạn (ICD) tại Phú Thọ. Vì thế, để thúc đẩy logistics của tỉnh phát triển, cần phải giải quyết điểm nghẽn này, qua đó thúc đẩy vận tải đa phương thức. “Nếu độ cao tĩnh không cầu Đuống không được giải quyết sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất công nghiệp của Phú Thọ”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nghĩa, Phú Thọ là đầu mối giao thông quan trọng của cả đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa trong khu vực miền Bắc và có vị trí cực kỳ phù hợp trong việc chung chuyển hàng hóa tiêu dùng trong khu vực phía Tây Bắc.

Đồng thời, nhiều sản phẩm của Phú Thọ và các tỉnh Tây Bắc sẽ vận chuyển theo chiều ngược lại. Tuy nhiên, theo quan sát của Hiệp hội, việc phân phối hàng hóa lên các tỉnh Tây Bắc vẫn đang được vận tải trực tiếp từ các kho trung chuyển đặt tại Hà Nội và Bắc Ninh làm tăng chi phí vận tải hàng hóa lên khu vực này.

Với vị trí thuận lợi, Phú Thọ hoàn toàn có thể trở thành trung tâm chung chuyển hàng hóa tiêu dùng cho các tỉnh Tây Bắc. Việc kết nối doanh nghiệp logistics Phú Thọ với Hà Nội và Hải Phòng sẽ giúp cho hình thành luồng hàng hóa 2 chiều giữa Phú Thọ với các cực tăng trưởng kinh tế phía Bắc. Thúc đẩy cho việc vận chuyển, phân phối hàng hóa đến và đi qua địa bàn Phú Thọ.

Các doanh nghiệp tham gia hoạt động khảo sát thực địa cơ sở hạ tầng logistics và khu vực quy hoạch trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn - chia sẻ, mặc dù trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang có cảng cạn (ICD) Hải Linh nhưng vẫn có những điểm chưa thuận lợi để phát triển mạnh đối với mảng đường thủy, đặc biệt là đường sắt kết nối.

“Do có hệ thống cảng biển tại Hải Phòng, nên việc phát triển ICD Tân cảng Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) nhằm đưa các dịch vụ logistics về gần với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Doanh nghiệp cũng mong muốn kết nối từ ICD Tân cảng Quế Võ đến ICD Hải Linh (tỉnh Phú Thọ)”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ và cho biết, từ ICD Tân cảng Quế Võ (Bắc Ninh) có thể kết nối trực tiếp đến Vĩnh Phúc, Phú Thọ tạo nên tuyến vận chuyển chọn gói vận tải đường thủy, đường bộ kết hợp.

Khẳng định tiềm năng trong phát triển đường thủy nội địa, đại diện doanh nghiệp này cho biết, với xu hướng phát triển dịch vụ logistics phải đáp ứng yêu cầu của thế giới đó là dịch vụ phát triển bền vững, giảm thiểu khí CO2. Dịch vụ vận tải đường thủy nội địa bằng sà lan cũng là dịch vụ vận tải logistics xanh và có thể giảm thiểu khí CO2 từ 60 - 70%.

Tuy nhiên, thách thức là không nhỏ, bởi theo đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, mặc dù vận tải bằng sà lan có thể giảm chi phí từ 10-15% so với vận tải bằng đường bộ nhưng cần đảm bảo đủ lượng hàng vận chuyển (full tải). Do đó, cần phải kết hợp với các doanh nghiệp logistics trên địa bàn thì mới tối ưu hóa được chi phí.

Một khó khăn khác trong việc phát triển giao thông thủy nội địa tại đây đó là sà lan vào ICD Hải Linh chỉ có dung lượng 24 TEU/tấn, quá nhỏ. Nếu khơi thông được luồng tuyến thì mới tạo được chợ logistics tại khu vực ICD Hải Linh.

Đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cũng đưa ra kiến nghị với địa phương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong việc nạo vét luồng, thanh thải đá ngầm trên tuyến đường thủy nội địa sông Lô, sông Hồng, sông Đà để phát huy tối đa tuyến vận tải đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút doanh nghiệp khai thác cảng và logistics. Theo đó, cần ưu tiên đầu tư ban đầu cơ sở hạ tầng, giao đất sạch giúp giá thành cạnh tranh làm cơ sở thu hút doanh nghiệp logistics đầu tư vào khu vực tỉnh nhà.

Đồng thời, triển khai đầu tư vào dự án trung tâm logistics phục vụ cho việc phát triển chung của khu vực Tây Bắc đặt tại Phú Thọ cho các nhà đầu tư sản xuất, kho hàng hoá phân phối phục vụ cho khu vực. Quan trọng hơn hết đó là hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để các doanh nghiệp yên tâm câu chuyện sản xuất và giao toàn bộ việc logistics cho các doanh nghiệp chuyên nghiệp làm dịch vụ.

Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và phát triển cơ sở tạ tầng, giúp tăng tính kết nối vùng, kết nối nội tỉnh giữa các khu vực thuộc vùng kinh tế động lực;…

Định hướng một, biện pháp mười, quyết tâm một trăm

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng trên các tuyến vận tải biển quốc tế... hiện nay có xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Điều này mang lại lợi ích cho lĩnh vực dịch vụ logistics của Việt Nam, đặc biệt tại khu vực các tỉnh phía Bắc trong đó có Phú Thọ.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) gợi mở một số giải pháp để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Việc Phú Thọ chuyển mình vươn lên mạnh mẽ từ vị trí thứ 9 từ dưới lên thành vị trí thứ 9 từ trên xuống theo quy mô xuất khẩu hàng hóa trong các tỉnh, thành phố cả nước phần nào cho thấy điều đó”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh và cho hay, dù không phải địa phương có biển, có sân bay nhưng Phú Thọ có khá nhiều tiềm năng phát triển du lịch, công nghiệp, nông nghiệp,…

Dù thuận lợi trong phát triển logistics, tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Theo đó, hạ tầng thương mại và giao thông vận tải của tỉnh mặc dù đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên cho đến nay Phú Thọ vẫn chưa có trung tâm logistics tương xứng với vị trí địa kinh tế - giao thông này. Sự liên kết về logistics giữa Phú Thọ với các tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, cùng với sự kết nối chưa hiệu quả giữa các vùng sản xuất và chế biến, xuất khẩu hàng hóa cũng là nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng, thời gian vận chuyển bị kéo dài. Số lượng doanh nghiệp khá nhiều nhưng đa số quy mô nhỏ, chủ yếu cung cấp dịch vụ đơn lẻ, thiếu tính liên kết, ứng dụng công nghệ trong thương mại điện tử còn ở mức chưa cao;…

Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển dịch vụ logistics tỉnh Phú Thọ năm 2024 cho thấy sự quan tâm của địa phương với lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc chuyển từ quan tâm sang quyết tâm thì cần có thêm nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, trong đó, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh quan điểm “định hướng một, biện pháp mười, quyết tâm một trăm”.

Bên cạnh đó, phải tập trung phát triển hạ tầng giao thông, logistics. Những việc này cần đưa vào hệ thống quy hoạch, bởi nếu chưa có hệ thống quy hoạch thì tất cả việc tiếp theo sẽ bị vướng, thực tiễn nhiều địa phương cho thấy điều đó.

Với Phú Thọ, hiện đã có Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1579/QĐ-TTg). Đây cũng là thuận lợi lớn để khi các nhà đầu tư quan tâm đến logistisc Phú Thọ thì sẽ giải quyết được bước ban đầu đó là căn cứ quy hoạch.

Đồng thời, tỉnh cần có hỗ trợ thiết thực cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp logistics. Muốn kết nối, giữ chân nhà đầu tư là chặng đường dài, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa. Ngoài việc thu hút đầu tư vào 3 trung tâm logistics đang quy hoạch, ông Trần Thanh Hải cũng khuyến nghị địa phương cần nâng cao, cải tạo các ICD, tuyến đường sắt hiện có.

“Hiện, tỉnh có các ICD Thụy Vân, ICD Hải Linh nhưng chưa được công nhận chính thức, cần đưa các ICD này vào hoạt động chính thức. Hay với tuyến đường sắt kết nối từ Lào Cai, Hà Nội ra đến cảng Việt Trì, trong thời gian qua địa phương chưa khai thác, nếu chúng ta không bảo tồn, không giữ lại thì sẽ mất một cơ hội tạo kết nối đường sắt với vận tải đường sông nhằm kéo giảm chi phí logistics”, ông Trần Thanh Hải khuyến nghị.

Ngoài ra, về phát triển thị trường, địa phương cũng cần khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics; đẩy mạnh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ. Tăng cường liên kết vùng, kết nối hợp tác với các địa phương dọc hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và trước hết là với các địa phương giáp với Phú Thọ như Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang. Bởi theo ông Trần Thanh Hải, chúng ta cạnh tranh bình đẳng, nhưng cạnh tranh trong sự hợp tác. Nếu thiếu sự hợp tác thì có thể vẫn sẽ đem lại hiệu quả nhưng không cao.

Thu hút nguồn lực phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Phú Thọ phát triển dịch vụ logistics; cam kết đồng hành với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình tìm hiểu cơ hội và xúc tiến triển khai đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn....

Ông Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị, Bộ Công Thương xem xét tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn về chính sách hạ tầng, thuế, đặc biệt là chính sách đất đai. Về phía Bộ Giao thông Vận tải, cần hỗ trợ tỉnh trong phát triển giao thông đường thủy, đường sắt và bảo đảm kết nối tốt hơn với giao thông đường bộ.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Ngành dịch vụ logistics

Tin cùng chuyên mục

Ngày 1-2/12, sẽ diễn ra Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024

Ngành dịch vụ logistics thích hợp với ''dòng chảy'' hàng hóa xuất nhập khẩu

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch