Hết năm 2018, phải hoàn thiện biểu đồ nhu cầu tiêu thụ than
Đến hết năm 2018, các đơn vị liên quan phải hoàn thiện biểu đồ nhu cầu tiêu thụ than trung và dài hạn làm cơ sở để các bên ký kết hợp đồng dài hạn, ít nhất là 5 năm |
Đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện cho đơn vị cung ứng than, ông Đặng Thanh Hải - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) - cho biết, trong thời gian vừa qua, dù ngành than gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nhu cầu sử dụng than tăng đột biến trong khi điều kiện khai thác và khả năng tăng sản lượng ngày càng khó khăn, song TKV vẫn nỗ lực thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong sản xuất và cung ứng than cho nền kinh tế theo thứ tự ưu tiên cung cấp than lần lượt là các hộ sản xuất điện, sản xuất phân bón, hoá chất, xi măng… và các hộ tiêu thụ khác.
“TKV đã và đang thực hiện tốt công tác cung ứng than với quyết tâm không để các hộ tiêu thụ thiếu than” – ông Hải nói và cho biết cụ thể, trong 8 tháng năm 2018, TKV đã cung ứng cho các hộ sản xuất điện 19,5 triệu tấn than, bằng 71% khối lượng than theo hợp đồng cung ứng đã ký và bằng 112% so vói cùng kỳ. Với ngành hoá chất mà cụ thể là Nhà máy phân đạm Hà Bắc, sản lượng than cung ứng trong 8 tháng qua bằng 143% so với cùng kỳ, trong khi đó, sản lượng than cho nhà máy đạm Ninh Bình luôn đảm bảo nhu cầu. Tương tự, với ngành xi măng, TKV đã cung ứng đạt 60% sản lượng theo hợp đồng năm 2018…
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Phúc - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc – cho biết, theo kế hoạch năm nay, đơn vị sẽ cung ứng 5,72 triệu tấn than sạch. Kết thúc 8 tháng, đã cung ứng được trên 4 triệu tấn, trong đó, riêng các nhà máy nhiệt điện của EVN là khoảng 3,2 triệu tấn.
Đặc biệt, Tổng công ty Đông Bắc đã nhập khẩu một lượng than chất lượng cao để phối trộn với than trong nước để đáp ứng chủng loại, phẩm cấp than theo yêu cầu của các hộ tiêu thụ lớn trong nước dù việc nhập khẩu và chế biến này không mang lại nhiều lợi nhuận.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Mặc dù trong 8 tháng qua, cung - cầu than trong nước được thực hiện đúng kế hoạch, song cả các đơn vị cung ứng và hộ tiêu thụ đều gặp phải những khó khăn nhất định. Theo đó, ông Đặng Thanh Hải cho biết, thời gian qua, nhu cầu than liên tục tăng cao trong khi khả năng tăng sản lượng của ngành than là rất khó khăn.
“Nếu năm 2017, TKV tiêu thụ 35 triệu tấn than thì năm 2018 tăng lên khoảng 39-40 triệu tấn và dự báo năm 2019 sẽ ở mức 41 triệu tấn than sạch” – ông Hải nói và nêu bất cập, để đầu tư xây dựng mới mỏ cần nhiều thời gian, chi phí trong khi công tác cấp phép thăm dò, giấy phép khai thác rất chậm. Bên cạnh đó, giá than thế giới đang có chiều hướng tăng và hiện đang cao hơn than trong nước từ 15-20% nhưng giá bán than trong nước không tăng, gây áp lực lớn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của ngành than.
Theo Tổng giám đốc TKV, việc ký hợp đồng dài hạn giữa đơn vị cung ứng và hộ tiêu thụ đang có những bất cập, nhất là công tác rà soát, xây dựng biểu đồ nhu cầu than chưa sát thực tế khiến đơn vị bị động trong kế hoạch sản xuất, nhập khẩu và cung ứng than. Hơn nữa, quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BCT liên quan đến việc phân tách giá bán than và giá thành vận chuyển than đang gây khó khăn cho công tác đấu thầu vận chuyển than, làm chậm tiến độ thực hiện hợp đồng cung ứng than giữa đơn vị cung ứng và các khách hàng.
Đại diện cho các hộ tiêu thụ, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết thêm, bản thân các nhà máy nhiệt điện của EVN cũng gặp nhiều khó khăn do công suất huy động nguồn lớn trong khi vì nhiều lý do, lượng than cung ứng chưa ổn định về số lượng, chất lượng và tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các nhà máy điện.
Tương tự, đại diện Công ty Nhân đạm và hoá chất Hà Bắc cho biết, dù đã có hợp đồng mua bán song nhiều thời điểm đơn vị vẫn thiếu than khiến nhà máy phải dừng lò và mỗi lần dừng và khởi động lại hao tổn khoảng 10 tỷ đồng và ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng thiết bị, máy móc và kế hoạch sản xuất.
Khẩn trương hoàn thiện biểu đồ nhu cầu than
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, than là nguyên, nhiên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm - những ngành giữ vai trò quan trọng trong chỉ số sản xuất công nghiệp và tác động lớn đến chỉ số tăng trưởng GDP của quốc gia. Vì vậy, cùng với việc ngành than phải cung ứng đủ than cho các ngành công nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung thì các hộ tiêu thụ cũng phải thực hiện nghiêm trách nhiệm của người mua và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, Thứ trưởng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty liên quan cần chủ động làm việc với nhau để thống nhất các nội dung liên quan đến công tác cung ứng và tiếp nhận than theo kế hoạch đề ra. “Đến hết năm 2018, các đơn vị liên quan phải phối hợp với các cục, vụ liên quan của Bộ Công Thương hoàn thiện biểu đồ nhu cầu tiêu thụ than trung và dài hạn làm cơ sở để các bên ký kết hợp đồng dài hạn, ít nhất là 5 năm” – Thứ trưởng An giao nhiệm vụ và yêu cầu thêm, biểu đồ này phải thể hiện chi tiết khả năng cung ứng, nhu cầu sử dụng than, đồng thời, trong các hợp đồng dài hạn phải xác định rõ số lượng, chủng loại cũng như kế hoạch cung ứng, tiếp nhận than để các bên chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.
Đối với những khó khăn, vướng mắc tại Thông tư số 13/2017/TT-BCT, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, báo cáo chi tiết những bất cập, báo cáo Bộ Công Thương xem xét sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác cung ứng, tiếp nhận than trong thời gian tới.
Về công tác cân đối than trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chỉ đạo các vụ, cục thuộc Bộ và TKV, Tổng công ty Đông Bắc sớm hoàn thiện báo kết quả thực hiện Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét đến triển vọng đến năm 2030 để Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, điều chỉnh nếu cần thiết.