Hành trình trở về cố quốc của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”: Hé lộ những điều chưa biết
Gian nan đường về cố quốc
Không phải ngẫu nhiên ông Nguyễn Thế Hồng trở thành người sở hữu bảo vật này. Ông là giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh, đồng thời là Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc.
Ông Nguyễn Thế Hồng giới thiệu những cổ vật hiện có tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng |
Ngoài điều kiện kinh tế, kinh nghiệm và đam mê sưu tầm, nghiên cứu cổ vật thì để sở hữu được ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” còn là một cái duyên khó lý giải. Được biết, để mua thành công ấn vàng, ông đã phải chi 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng). Chiều ngày 16/11/2023 theo giờ Pháp, chiếc ấn vàng đã có mặt tại Việt Nam và được trưng bày trong không gian Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng thuộc bộ sưu tập của doanh nhân Nguyễn Thế Hồng với các phương án bảo vệ nghiêm ngặt.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” nằm trong số 14 “kim ngọc, bảo tỷ” (ấn vàng, ấn ngọc) mà Hoàng đế Minh Mạng đã cho chế tác vào thời ông trị vì (1820-1841). Trong đó, 13 chiếc vẫn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Chiếc duy nhất còn lại chính là ấn “Hoàng đế chi bảo” có số phận gian truân, nhưng cuối cùng cũng được hồi hương về cố quốc mới đây, tạo ra được một bộ sưu tập ấn thời Minh Mạng hoàn mỹ, toàn vẹn.
Quay trở lại câu chuyện đường về cố quốc của ấn vàng này: Trong gần 150 năm tồn tại, triều Nguyền có hơn 100 chiếc ấn được tạo tác từ các loại vật liệu quý như vàng, bạc, ngọc, ngà voi, thậm chí cả từ thiên thạch... nhưng "Hoàng đế chi bảo" là chiếc ấn có giá trị vượt trội, không chỉ bởi kích thước, chất liệu, tính thẩm mỹ mà còn do sứ mệnh nó được giao phó. Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.
Chiều ngày 30/8/1945, trên nền đài tầng 2 lầu Ngũ Phụng cửa Ngọ Môn, trước hơn 2 vạn nhân dân Thừa Thiên Huế đang sục sôi khí thế Cách mạng, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn đã trao bộ ấn kiếm tượng trưng quyền lực vương triều cho đại diện chính quyền Cách mạng. Đó chính là chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" và một thanh kiếm thời Khải Định. Thay mặt Chính phủ Cách mạng, ông Trần Huy Liệu đã tiếp nhận ấn kiếm và gắn huy hiệu công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho cựu Hoàng. Bộ ấn kiếm này ngay ngày hôm sau đã được đưa ra Hà Nội để kịp dự lễ Độc lập vào ngày 2/9/1945.
Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Thủ đô, đơn vị làm nhiệm vụ cất giữ bộ ấn kiếm trên đã đem giấu tại một ngôi nhà ở làng Nghĩa Đô gần hồ Tây, trước khi rút lên Việt Bắc vào cuối năm 1946. Nhưng trớ trêu thay, sau đó ít lâu, khi lính Pháp càn quét làng Nghĩa Đô, họ đã phát hiện ra bộ ấn kiếm trên. Ngày 8/3/1952, người Pháp đã tổ chức một nghi lễ khá long trọng tại Hà Nội để trao lại ấn kiếm cho Quốc trưởng Bảo Đại.
Năm 1953, để bảo vệ bộ ấn kiếm trên được an toàn, cựu hoàng Bảo Đại đã ủy quyền cho bà Mộng Điệp mang sang Pháp, trao cho hoàng hậu Nam Phương và thái tử Bảo Long. Năm 1963, sau khi bà Nam Phương mất, ông Bảo Long quản lý bộ ấn kiếm này và đã gửi chúng tại két sắt của Ngân hàng châu Âu (Union des Banques Européennes). Ngày 31/7/1997, cựu hoàng Bảo Đại qua đời, chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" thuộc về bà Monique Marie Eugene Baudot - người vợ cuối cùng có hôn thú với cựu Hoàng. Ngày 27/9/2021, bà Baudot mất, tin tức về chiếc ấn vàng tưởng chừng chìm vào quên lãng.
Thật bất ngờ, đầu tháng 10/2022, nhà đấu giá Millon (Paris, Pháp) thông báo sẽ đem bán đấu giá công khai chiếc ấn "Hoàng đế chi bảo" vào ngày 31/10. Báo chí và dư luận trong nước đặc biệt quan tâm đến thông tin trên. Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, ông Nguyễn Thế Hồng - một nhà sưu tầm cổ vật có bảo tàng tư nhân ở Bắc Ninh đã thương lượng thành công không qua đấu giá để mua lại ấn "Hoàng đế chi bảo".
Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, chiếc ấn báu đã được đưa về Việt Nam vào đầu tháng 6/2023, nhưng có một số thủ tục cần hoàn thiện nên chiều ngày 16/11/2023 theo giờ Pháp, chiếc ấn vàng đã có mặt tại Việt Nam và được trưng bày trong không gian Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng thuộc bộ sưu tập của doanh nhân Nguyễn Thế Hồng với các phương án bảo vệ nghiêm ngặt.
Và chuyện ấn thật, ấn giả
Sau khi ấn “Hoàng đế chi bảo” hồi hương, có một chuyện làm xôn xao dư luận trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài bởi một bài viết trên mạng có tiêu đề “Ấn Hoàng đế chi bảo: Ấn thật hay ấn giả?”. Tác giả cho rằng: “cái ấn Hoàng đế chi bảo không còn là ấn gốc từ thời Minh Mạng. Cái ấn được vua Hàm Nghi mang ra chiến khu khi kháng chiến Cần Vương, bị bỏ lại trong rừng khi vua bị bắt. Sau đó vua Thành Thái ủ mưu với hai ông Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, đã làm một cái ấn giả để thay thế, mặc dù vẫn mặc định nó là ấn gốc từ thời Minh Mạng”.
Cùng với một vài giả thiết nữa, tác giả đưa ra nhận định: “có thể khẳng định rằng, 99% cái ấn Hoàng đế chi bảo (mà Việt Nam mới mua về từ Pháp) không phải là cái ấn nguyên thủy được đúc từ thời Minh Mạng. Cái ấn nguyên thủy đã mất vì nhiều lý do”.
Sự thật là thế nào? Thông tin từ Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, qua tìm hiểu các bộ sử nhà Nguyễn, nhất là Thực lục để tìm câu trả lời và đã khẳng định được chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” mới đây hồi hương là ấn nguyên thủy, được đúc từ thời Hoàng đế Minh Mạng bởi những chứng cứ sau:
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” |
Thứ nhất, không có chuyện ấn này được Đại thần Tôn Thất Thuyết (còn gọi là Lê Thuyết) khi phò vua Hàm Nghi đi kháng chiến chống Pháp đã mang theo ấn rồi bị thất lạc. Thực lục ghi rõ: khi đó, Tôn Thất Thuyết “trong khi vội vã, chỉ soạn được cái ấn ở ngự tiền văn lý mật sát và ấn kiềm 2 quả với hạng để vàng bạc đồ đệ đem theo”. Vì thế, cái giả thuyết ấn “Hoàng đế chi bảo” bị mất trong cuộc kháng chiến là không có cơ sở vì thư tịch ghi lại có mang ấn khác không phải chiếc ấn này.
Thứ hai, về giả thuyết vua Thành Thái “ủ mưu” để làm chiếc ấn giả theo mẫu của ấn thật đúc từ thời Minh Mạng cũng không đúng. Với vị trí làm vua thì có thể sai đúc ấn “Hoàng đế chi bảo” mới, ghi hẳn niên hiệu Thành Thái mà không sợ điều gì khuất tất. Sao phải “ủ mưu” đúc giả ấn “Hoàng đế chi bảo”!
Thứ ba, chứng cứ quan trọng nhất là sau khi vua Hàm Nghi (trị vì năm 1884-1885) kháng chiến thất bại, phải đi đày, thì ấn vẫn còn tồn tại trong cung, để rồi Thực lục chép rằng vị vua tiếp theo là Đồng Khánh (trị vì năm 1885-1889) vẫn sử dụng ấn “Hoàng đế chi bảo” để đóng vào thư tặng viên “giám quốc Đại Pháp và quan viên văn, võ 112 tấm Long bội tinh (Thực lục, tập 9, tr. 243). Điều đó chứng tỏ ấn “Hoàng đế chi bảo” vẫn còn trong cung đến thời tiếp theo là đời vua Thành Thái (trị vì năm 1889-1907). Vậy, nếu ấn “Hoàng đế chi bảo” vẫn còn trong cung, thì vua Thành Thái sao lại phải làm chiếc ấn giả để làm gì?
Chắp nối lại các sự kiện được chép trong sách Đại Nam Thực lục chính biên từ Đệ nhất kỷ cho đến Đệ lục kỷ do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn xong và vua Duy Tân có lời ban dụ vào ngày 12 tháng 7 năm Duy Tân thứ ba (1909), có thể khẳng định được tư liệu lịch sử quan trọng: Chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” từ khi được đúc vào thời Minh Mạng cho đến đời vua Duy Tân vẫn nằm trong Hoàng thành Huế, chưa từng rời đi đâu cả.
Trên cả cái đẹp về mặt nghệ thuật tạo hình, ấn “Hoàng đế chi bảo” mang một ý nghĩa biểu tượng của một triều đại và của vị Hoàng đế Minh Mạng có công mở rộng bờ cõi, khẳng định vị trí của nước Đại Nam trên bản đồ thế giới. Đồng thời chiếc ấn cũng là vật chứng gắn liền với một sự kiện lịch sử quan trọng, sang trang một thời đại mới của đất nước.
Vì vậy, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá cao việc một tư nhân bỏ ra mọi chi phí để mua và đưa ấn vàng này về nước thật sự là một tín hiệu rất vui trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản.
Được biết, tránh những rắc rối sau này, một cam kết giữa Cục Di sản văn hóa và ông Nguyễn Thế Hồng đã được ký để đảm bảo ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về sau sẽ chỉ được chuyển giao cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khi ông Hồng không còn nhu cầu sở hữu) thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đặt tên “Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ” của Hoàng đế Minh Mạng (1791 - 1841), cao 10,4cm, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7cm. Mặt trên của ấn khắc hai dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Được làm vào ngày 4/2, năm thứ 4 đời Vua Minh Mạng, tức ngày 4/2/1823) và “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân” (Làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân, khoảng 10,7kg). Đế ấn in dòng chữ “Hoàng đế chi bảo” (Báu vật của hoàng đế). |