Hàng rong "bát nháo" trên phố đi bộ Nguyễn Huệ: Khó xử lý triệt để?
Hàng rong “chặt chém” vẫn diễn ra tràn lan
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là địa điểm du lịch mang tính biểu tượng của TP. Hồ Chí Minh, đây là không gian để người dân và du khách vui chơi, giải trí mỗi buổi tối. Tuy nhiên, tình trạng người buôn bán hàng rong bát nháo “chặt chém” du khách, bày bán hàng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị thời gian qua xảy ra khá phổ biến.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ tập trung đông đúc vào mỗi tối |
Theo đó, từ khoảng 5 giờ chiều, có mặt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ rất dễ dàng bắt gặp các xe hàng rong buôn bán nhộn nhịp. Theo ghi nhận của phóng viên, các gian hàng rong này được bày bàn trên xe kéo, đặt nhiều ghế nhựa trên vỉa hè. Không khó để thấy hình ảnh có cả cả trẻ em dưới 10 tuổi phụ giúp vào công việc buôn bán. Những gian hàng rong này luôn bố trí người canh gác tại những khu vực mà lực lượng chức năng thường xuyên đi lại. Khi có lực lượng chức năng tới, những người này báo hiệu cho những người bán hàng rong khẩn trương di chuyển vào những ngõ nhỏ, hay những nơi khuất tầm nhìn nhằm né tránh lực lượng chức năng.
Dù đã bị cơ quan chức năng xử lý nhiều lần nhưng tình trạng buôn bán hàng rong vẫn tràn lan |
Các mặt hàng ở đây có mức giá khá cao. Cụ thể, các loại nước như trà tắc, trà đào, trà vải, milo dầm… có mức giá từ 40.000 – 60.000 đồng/ly; các loại trái cây như xoài lắc, cóc lắc có giá từ 30.000 – 50.000 đồng/ly; đối với các loại cá viên chiên là từ 20.000 đồng/xiên. Mức giá này cho thấy, tuy là các món ăn vặt lề đường nhưng lại xấp xỉ tại các thương hiệu lớn trên thị trường.
Chị Trần Vân Anh, du khách từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh bức xúc: Khi đi dạo tại phố đi bộ Nguyễn Huệ chị liên tục được các quán hàng rong mời gọi mua nước, mua bắp hay hoa quả dầm. Do bị nài nỉ nhiều nên chị đã mua ba ly trà đào cùng xoài dầm và tới khi tính tiền người bán thông báo hết 200.000 đồng.
Theo chị Vân Anh, mức giá như này là khá đắt so với chất lượng, thậm chí ở những quán lớn giá cũng chưa tới.
Tình trạng buôn bán hàng rong gây mất mỹ quan đô thị của tuyến phố du lịch sầm uất nhất TP. Hồ Chí Minh |
Theo các du khách, ngoài giá cao, khi sử dụng đồ ăn, thức uống tại các quầy hàng rong này họ rất bức xúc bởi vừa ngồi đã bị đuổi đi để lấy lại ghế nhằm chạy trốn cơ quan chức năng dẫn đến khung cảnh lộn xộn, nhếch nhác.
Giải pháp nào để xử lý dứt điểm?
Trước thực trạng trên, trả lời báo giới tại cuộc họp diễn ra vào trung tuần tháng 4/2023, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh đã thông tin về phương án xử lý tình trạng bán hàng rong và đỗ xe lấn chiếm lòng đường tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Theo ông Hà, để giải quyết tình trạng này Công an thành phố đã tăng cường lực lượng để xử lý nhắc nhở. Tuy nhiên khi có mặt lực lượng chức năng thì các trường hợp vi phạm không xuất hiện, không có lực lượng chức năng thì những người mua bán hàng rong, đỗ xe sai quy định lại tái diễn.
Ông Hà cho biết, hiện Công an TP. Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo Công an quận 1, Cảnh sát giao thông, lực lượng chức năng phường phối hợp với lực lượng quản lý trật tự đô thị tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giữ gìn mỹ quan tuyến phố này.
Về lâu dài, Công an TP. Hồ Chí Minh đã có báo cáo Thành ủy về tình trạng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Trong đó, kiến nghị có thêm khu vực bãi đỗ xe để người dân đậu xe, hạn chế việc đậu xe sai quy định và lấn chiếm lòng lề đường. Đồng thời, đề nghị tăng cường thêm lực lượng thanh niên xung phong để phối hợp công an tuần tra đảm bảo an ninh trật tự.