Hàng loạt cửa khẩu được khôi phục, kỳ vọng thương mại Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 31,6 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 58,6 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
Với lợi thế gần gũi về biên giới đất liền, nhiều năm qua, Trung Quốc giữ vững vị thế là một trong những thị trường lớn nhất của hàng Việt Nam. Chính vì vậy, việc được khôi phục các cặp cửa khẩu sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Lạng Sơn: Mở lại cửa khẩu Na Hình - Kéo Ái
Vừa qua, nghi lễ thông quan hàng hóa qua cặp cửa khẩu Na Hình, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn và Kéo Ái, Quảng Tây, Trung Quốc đã được diễn ra trong không khí phấn khởi của các cấp các ngành và doanh nghiệp, nhân dân hai nước. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc qua cặp cửa khẩu này chủ yếu là hàng nông sản, trong đó mặt hàng tinh bột sắn là chủ lực. Lượng xe hàng nông sản xuất khẩu thông quan qua cửa khẩu phụ Na Hình – Kéo Ái trung bình đạt khoảng từ 30-40 xe hàng/ngày.
Cửa khẩu Na Hình (Lạng Sơn) |
Việc thông thương cặp cửa khẩu Na Hình - Kéo Ái sẽ giúp hàng hóa qua lại hai nước thuận tiện, dễ dàng hơn; góp phần giảm tải cho các cửa khẩu khác trên địa bàn Lạng Sơn. Ngoài ra, giúp hoạt động thương mại giữa 2 bên thúc đẩy ngày càng phát triển, tạo điều kiện cho nhân dân khu vực biên giới 2 nước có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập.
Trước đó, từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra ở 2 nước, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua biên giới, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu Na Hình - Kéo Ái đã tạm dừng từ ngày 6/5/2021 đến nay.
Sau khi nhận được thông báo về việc khôi phục lại hoạt động thông quan, các đơn vị liên quan của Việt Nam đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu và thông tin đến các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Hệ thống cửa khẩu của Lạng Sơn được ví như “Cảng nổi” trên đất liền. Kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng trong những năm gần đây đã tạo cho Lạng Sơn có vị trí đặc biệt quan trọng, là cơ hội lớn để Lạng Sơn thúc đẩy kinh tế cửa khẩu phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế. Cùng với các cặp cửa khẩu chính, việc mở cửa các cửa khẩu phụ sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Lào Cai: Đến năm 2030, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đất liền đạt khoảng 10 tỷ USD
Sau một thời gian tạm ngừng do đại dịch Covid-19, Cửa khẩu Mường Khương và lối mở Lồ Cố Chin tại huyện Mường Khương vừa trở lại hoạt động. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục hoạt động thương mại biên giới tỉnh Lào Cai.
Cửa khẩu Mường Khương |
Việc khôi phục Cửa khẩu Mường Khương và lối mở Lồ Cố Chin là một trong những nỗ lực của lực lượng quản lý biên giới hai nước nhằm tạo điều kiện thúc đẩy giao thương hàng hóa, phục vụ nhu cầu của nhân dân hai bên.
Để chuẩn bị cho việc khôi phục hoạt động Cửa khẩu Mường Khương và lối mở Lồ Cố Chin, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo huyện Mường Khương tích cực tuyên truyền đến cư dân biên giới quy định xuất, nhập cảnh, chính sách cư dân biên giới và các quy định pháp luật khác.
Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã chủ động trao đổi với Ban quản lý Cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc) các nội dung liên quan đến việc khôi phục trở lại hoạt động qua lại của cư dân biên giới tại Cửa khẩu Mường Khương và lối mở Lồ Cố Chin.
Đồng thời chủ trì phối hợp với lực lượng tham gia quản lý Cửa khẩu Mường Khương và Đồn Biên phòng Pha Long tổ chức thực hiện việc khôi phục hoạt động qua lại của cư dân biên giới.
Theo Cục Hải quan Lào Cai, đến giữa tháng 6/2023, tổng số doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan trong toàn đơn vị là 492 doanh nghiệp, tăng 59 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số tờ khai đạt 25.486, tăng 14.152 tờ khai so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt 589 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 402 triệu USD, giảm 13%; nhập khẩu đạt 187 triệu USD.
Về xuất nhập khẩu, Lào Cai phấn đấu phát triển các cửa khẩu biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD. Đồng thời đề xuất với Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương cho phép Lào Cai xây dựng và thực hiện Đề án phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa giữa Việt Nam, các nước ASEAN với thị trường Tây Nam Trung Quốc, triển khai thực hiện cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, việc mở cửa lại cửa khẩu Mường Khương và lối mở Lồ Cố Chin sẽ góp phần phát triển kinh tế Lào Cai, góp phần giúp Lào Cai sớm hoàn thành mục tiêu xuất nhập khẩu hàng hoá như đã đề ra.