Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trong năm 2019, lực lượng QLTT thành phố đã thực hiện 82.794 vụ kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, tăng 61.741 vụ so với cùng kỳ năm trước (tăng 293,26%) và phát hiện 5.748 vụ vi phạm. Trong đó, có 1.401 vụ hàng lậu, 1.054 vụ hàng giả, 332 vụ hàng cấm, 365 vụ hàng không rõ nguồn gốc, 153 vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đã xử phạt 4.689 vụ, thu gần 114 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tiêu hủy 46,5 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 97,5 tỷ đồng. Đã chuyển cảnh sát điều tra khởi tố 18 vụ với hàng hóa vi phạm là 15,8 tỷ đồng, trong đó có 11 vụ hàng giả .
Hàng giả bị tạm giữ 229.998 sản phẩm gồm quần áo, giày dép, dây nịt, mắt kính, nhãn vải, mũ bảo hiểm giả mạo các nhãn hiệu Nike, Adidas, Chanel, CK, Hermes. Trong 27 vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, đã tạm giữ 161.326 sản phẩm bóp, ba lô, túi xách, giày dép, thực phẩm chức năng, bánh kẹo…và 7 vụ buôn bán, sản xuất xuất hàng hóa gắn tem, nhãn, bao bì giả.
Lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh phát hiện nhiều loại hàng hóa nghi nhái nhãn hiệu nổi tiếng tại Saigon Square |
Thị trường TP. Hồ Chí Minh gần đây gia tăng tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên website, Zalo, Facebook, Youtube…và trong năm qua các Đội QLTT đã xử lý 96 tổ chức, cá nhân vi phạm, đã xử phạt hơn 2,3 tỷ đồng. Chưa hết, khi kiểm tra đối với các chủ thể này, lực lượng QLTT còn phát hiện các hành vi vi phạm khác và xử phạt 608 triệu đồng; xử lý 265.419 đơn vị sản phẩm, tổng trị giá hơn 14,2 tỷ đồng.
Chống hàng giả là trận chiến khó khăn và khó triệt tận gốc. Chẳng hạn, trong năm 2019, Cục QLTT thành phố đã tổ chức kiểm tra quy mô 3 đợt tại Trung tâm Thương mại Saigon Square đều phát hiện số hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu với số lượng lớn. Cụ thể, ngày 8/1/2020, lực lượng QLTT kiểm tra 5 điểm tại Saigon Square, phát hiện 470 sản phẩm giày dép, mắt kính, túi xách có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike, Adidas, Dior,Gucci. Tháng 11/2019, kiểm tra 17 sạp tại Saigon Square, phát hiện hàng nghìn mặt hàng giả nhãn hiệu Gucci, Chanel, LV. Tháng 7/2019, tạm giữ 1.834 sản phẩm đồng hồ, bút, giày dép, túi xách giả mạo nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa nổi tiếng thế giới cũng tại Saigon Square.
Theo đánh giá của Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh, năm 2109, lực lượng QLTT thành phố đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra hàng giả với quy mô lớn tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, các điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và xử lý nhiều trường hợp tái phạm. Sau các đợt kiểm tra, tiểu thương kinh doanh hàng giả đối phó bằng hình thức bày bán số lượng ít, cất giấu kín đáo, hoặc khi cần hàng để bán thì có người đến giao; đối tượng kinh doanh biết là hàng giả nhưng vẫn kinh doanh vì lợi nhuận cao, trong khi người tiêu dùng vẫn còn có nhu cầu sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Bách cho rằng, gần đây đối tượng sản xuất, nhập lậu hàng giả có nhiều thủ đoạn tinh vi như lợi dụng tiến bộ của khoa học công nghệ để sản xuất hàng giả cao cấp nên rất khó phân biệt; sản xuất hàng giả vừa đủ số lượng để giao cho khách hàng, không lưu trữ tại nơi sản xuất hoặc rất ít; hàng giả nhập lậu, sản xuất được chứa trữ phân tán nhiều nơi và tổ chức vận chuyển nhỏ lẻ đến nhiều đối tượng kinh doanh.
Để đẩy lùi hàng giả, theo ông Bách, trong năm 2020, Cục QLTT thành phố sẽ tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác và xuất xứ Việt Nam, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và quản lý chặt đối với hoạt động buôn bán hàng gian, hàng giả thương mại điện tử trên tinh thần thực thi quyết liệt và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm.