Hàng chục doanh nghiệp Việt tham dự hội chợ SIAL tại Paris
Ông Đặng Quang Mạnh trao đổi với các đối tác Argentina |
Bên cạnh hàng chục doanh nghiệp Việt Nam đã mang sản phẩm tới giới thiệu trong một khu trưng bày lớn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tranh thủ sự kiện để tìm kiếm nguồn hàng cho thị trường trong nước.
Trong cuộc hội thảo do Tòa Thị chính Paris và cơ quan xúc tiến thương mại Pháp Business France kết hợp với đại sứ quán Việt Nam tổ chức ngày 20/10, nhiều quan chức và đại diện doanh nghiệp Pháp đã đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường Việt Nam đối với sản phẩm công nghiệp thực phẩm, đồ uống Pháp bởi Việt Nam là thị trường lớn, có cơ cấu dân số phù hợp và nền kinh tế tăng trưởng nhanh.
Cuộc hội thảo được tổ chức nhân dịp đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ SIAL. “Việt Nam là một nước quan trọng với quy mô dân số lớn, có nhiều cơ hội phát triển thị trường. Hơn nữa, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi,” ông Philippe Yvergniaux, giám đốc Vụ Hợp tác quốc tế, Business France, nhận định.
Các chuyên gia cho rằng cùng với đà tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định đạt được trong mấy năm gần đây, mức sống của người dân Việt Nam được nâng cao.
Tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng đã tạo điều kiện cho hàng thực phẩm và đồ uống của Pháp cũng như từ các nước có ngành công nghiệp thực phẩm phát triển khác, vốn từ trước đến nay được đánh giá là chất lượng tốt nhưng giá cao.
Do đó, thị trường Việt Nam thu hút sự chú ý đặc biệt của các doanh nghiệp Pháp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố, trong 7 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa từ Pháp vào Việt Nam đạt khoảng 25 triệu USD.
Con số này vẫn còn khiêm tốn, nhưng mức tăng trưởng ấn tượng, tới 38,9% so với cùng kỳ năm trước (18 triệu USD).
Xu hướng tăng mạnh này được dự báo sẽ tiếp tục trong những năm tới sau khi thỏa thuận tự do thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu có hiệu lực và quan hệ đối tác Pháp-Việt thực sự phát huy tác dụng.
Theo bà Quỳnh Anh, tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp, tại hội chợ SIAL cũng có một số đại diện các công ty nhập khẩu đến thăm dò thị trường, do đây là cơ hội để doanh nghiệp quốc tế giới thiệu công nghệ và sản phẩm của họ.
Trong số đó có một số công ty chế biến rau quả, sản xuất càphê muốn tìm kiếm công nghệ mới.
Công ty Mạnh Cầm là một trong số doanh nghiệp tranh thủ cơ hội từ hội chợ SIAL để mở rộng nguồn nhập khẩu.
Là công ty duy nhất nhập khẩu sữa dê dành cho trẻ em mang thương hiệu Danlait của Pháp về Việt Nam, ông cho biết đang thuyết phục nhà cung cấp để tăng khối lượng nhập khẩu về Việt Nam.
“Hiện nay chúng tôi nhập khẩu khoảng 20 container mỗi năm, nhưng thường xuyên rơi vào tình trạng không có hàng để bán, nhất là sữa dành cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi và trên 1 tuổi,” giám đốc công ty Đặng Quang Mạnh cho biết. Sữa Danlait hiện có mặt tại hầu hết các tỉnh trên cả nước.
Tại triển lãm SIAL công ty FIT cung cấp xuất sữa dê Danlait có mặt bằng khá rộng đặt ngay lối vào một khu trưng bày.
“Sữa dê dễ tiêu hóa và có chứa nhiều thành phần rất gần với sữa mẹ. Chất béo trong sữa dê có cấu tạo chuỗi ngắn hơn trong sữa bò, thành phần caseine trong sữa dê có tính chất ít vững chắc hơn, hai yếu tố này cho phép cơ thể trẻ em tiêu hóa sữa dê dễ hơn,” ông Hervé Lanoë, tổng giám đốc FIT hợp tác với Liên minh sản xuất sữa Venise Verte tại vùng Vendée (ULVV) nói.
Ông nói sản lượng sữa dê của công ty khoảng 90.000 tấn một năm, sản xuất hoàn toàn từ nguồn sữa thu gom của các trang trại Pháp. Trong số đó chỉ một phần nhỏ khoảng 10.000 tấn dành cho xuất khẩu sang Trung Quốc (5.000 tấn), Việt Nam (500 tấn) và Trung Đông…
Ông cho biết nhu cầu của thị trường với sản phẩm sữa dê dành cho trẻ em rất lớn nhưng không có đủ nguyên liệu để sản xuất. Phần lớn sữa dê tại Pháp dành để sản xuất phomat.
Tại triển lãm SIAL, ông Mạnh cho biết công ty của ông cố gắng đang đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng nguồn nhập khẩu sữa dành cho trẻ em từ các nguồn khác. “Triển lãm SIAL là cơ hội rất lớn vì có đầy đủ các nhà cung cấp hàng đầu thế giới.”
Ngoài sữa dê, công ty Mạnh Cầm đang nhập khẩu về Việt Nam sản phẩm sữa bò cho trẻ em từ Argentina mang thương hiệu Amolac.
“Chúng tôi đã nhập khẩu sữa Amolac về Việt Nam từ hơn một năm nay và bán rất tốt,” ông nói.
Lợi thế của sản phẩm này là tạo điều kiện cho người tiêu dùng có lựa chọn loại sữa tốt từ một nước có ngành công nghiệp thực phẩm mạnh nhưng giá cả phải chăng.
Theo đại diện công ty La Sibila sản xuất Amolac, bà Dolores Poblete, sữa Amolac tương tự với sản phẩm mang thương hiệu Formidable bán rộng rãi tại Acshentina và Paragoay, sản xuất từ nguồn sữa của giống bò Holando-Argentina chăn thả tự nhiên và được quản lý, kiểm soát chất lượng chặt chẽ.
“Chúng tôi đạt sản lượng khoảng 3.000 tấn/tháng và xuất khẩu đi hơn 60 nước,” bà Dolores Poblete nói.
Tuy vậy, bên cạnh 30 công ty và tập đoàn Việt Nam tham gia hội chợ để giới thiệu sản phẩm, những công ty sang để tìm kiếm đối tác vẫn còn tương đối ít, các công ty vừa và nhỏ sang khó có điều kiện tham dự do không có sự hỗ trợ từ nhà nước.
SIAL là sự kiện lớn nhất thế giới trong năm, cơ hội do nó tạo ra chắc chắn không phải là nhỏ. Có thể trong những năm sau, hình thức tham quan và tìm kiếm cơ hội nhập khẩu sẽ được chú ý hơn.