Thứ bảy 23/11/2024 01:00

Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiết lộ nhiều thủ đoạn buôn lậu mới cực “tinh vi”

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, sân bay vẫn là một trong những địa bàn trọng điểm, có khả năng cao về hoạt động buôn lậu và trung chuyển các chất ma túy.

Nhận diện địa bàn trọng điểm, có khả năng cao về buôn lậu

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, thời gian vừa qua các đối tượng buôn lậu luôn lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, chương trình thông quan điện tử để gia tăng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại để thu lợi bất chính, làm ảnh hưởng đến thu ngân sách, môi trường hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hoá trong nước, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị xã hội.

Ngành hải quan đã chủ động xây dựng các kế hoạch, chuyên đề đấu tranh chống buôn lậu

Trước tình hình gia tăng về tội phạm buôn lậu, tội phạm ma túy, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng các kế hoạch, chuyên đề đấu tranh chống buôn lậu, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, đối tượng sử dụng phương thức và thủ đoạn rất tinh vi như: Không khai hoặc khai sai tên hàng, số lượng với trị giá lớn; lợi dụng thông quan điện tử luồng xanh, vàng... để đưa hàng hoá thuộc diện cấm xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện... vào thị trường nội địa để tiêu thụ, khai báo trị giá hàng nhập khẩu giá trị cao (phần mềm ứng dụng) nhằm mục đích chuyển ngoại tệ ra nước ngoài.

Đặc biệt, tại địa bàn sân bay Tân Sơn Nhất, với tính chất quy mô đơn vị lớn, sân bay vẫn là một trong những địa bàn trọng điểm, có khả năng cao về hoạt động buôn lậu và trung chuyển các chất ma túy. Các đối tượng vận chuyển hàng lậu thường là hành khách xuất nhập cảnh, hàng hóa tang vật vi phạm đặt trong hành lý.

"Ma túy được vận chuyển trái phép vào TP. Hồ Chí Minh chủ yếu qua đường hàng không, đường chuyển phát nhanh quốc tế và bưu cục ngoại dịch. Loại hình xuất khẩu, nhập khẩu mà các tội phạm ma túy lợi dụng, sử dụng là loại hình xuất nhập khẩu phi mậu dịch (quà biếu xuất nhập khẩu)" - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nêu.

Về loại ma túy nhập khẩu trái phép vào TP. Hồ Chí Minh chủ yếu là cần sa, ma túy tổng hợp (MDMA, Ketamine) có xuất phát điểm từ Mỹ, Canada và các nước thuộc châu Âu như Pháp, Đức.

Với tuyến bưu điện quốc tế và chuyển phát nhanh là địa bàn về các hoạt động nhập khẩu các loại tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, ma túy tổng hợp, thuốc lắc dưới dạng quà biếu, quà tặng; nhập khẩu các loại ma túy từ nước ngoài để trung chuyển sang nước thứ ba; xuất các loại ma túy, tiền chất bất hợp pháp, ngụy trang tinh vi trong các lô hàng phi mậu dịch đi Australia.

Ngoài ra, các cảng biển cũng được đánh giá là địa bàn trọng điểm, có nhiều nguy cơ xuất, nhập lậu chất ma túy, các loại tiền chất và các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần không có giấy phép của cơ quan chức năng dưới danh nghĩa hàng kinh doanh.

Cũng theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và mua bán, vận chuyển trái phép mang về lợi nhuận rất cao cho tội phạm. Đó là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy bọn tội phạm thực hiện hành vi với các thủ đoạn tinh vi, phương thức thường xuyên thay đổi. Chúng lợi dụng mọi khe hở pháp luật, sự thông thoáng của chính sách để gia tăng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại để thu lợi bất chính.

Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn

Dự báo thời gian tới tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt thời gian qua các đơn vị trong Cục đã phát hiện nhiều vụ việc truy thu thuế lớn. Thủ tục hải quan điện tử theo VNACCS/VCIS hiện nay ngày càng thông thoáng, nên có thể xuất hiện nguy cơ doanh nghiệp lợi dụng để buôn lậu, trốn thuế, gian lận thuế và cũng không loại trừ khả năng phát sinh các tội phạm về ma túy.

Các doanh nghiệp thành lập công ty ma, thay đổi tên giao dịch nhằm tránh sự theo dõi, quản lý của cơ quan chức năng. Sửa chữa, giả mạo hồ sơ; nhập khẩu hàng hóa sai khai báo về tên hàng, số lượng, chủng loại, quy cách, xuất xứ hoặc không khai báo, khai khống đối với hàng hóa xuất khẩu; khai khống mặt hàng nhập khẩu có trị giá cao để chuyển tiền ra nước ngoài (ví dụ mặt hàng phần mềm).

Hoặc lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, chọn luồng để tránh kiểm tra thực tế hàng hóa; đại lý hải quan lợi dụng chữ ký số, dùng mã số thuế của doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật để nhập khẩu hàng cấm; lợi dụng các loại hình quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, đưa hàng vào kho ngoại quan... để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa.

Đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu, khai báo tên người nhận hàng là doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu phế liệu để được hạ bãi, sau đó điều chỉnh manifest sang người nhận hàng khác. Hàng hóa nhập khẩu thực tế là phế liệu nhưng khai báo tên hàng trên manifest là mặt hàng khác.

Việc sản xuất, bào chế các loại ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng và đa dạng, trong khi đó công tác quản lý tiền chất, tân dược gây nghiện, hướng thần tại khâu đầu ra (khâu sản xuất và tiêu thụ) hiện nay vẫn còn lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng, các đối tượng dễ dàng mua bán, trao đổi trong nội địa gây khó khăn cho công tác quản lý và đấu tranh với tội phạm ma túy.

Về giải pháp phòng ngừa tội phạm, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thường xuyên quán triệt đến toàn bộ cán bộ công chức nâng cao ý thức trách nhiệm, luôn đề cao cảnh giác, tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan.

Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời cảnh báo các phương thức thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép cũng như công tác thi hành điều tra hình sự; thông tin về việc lợi dụng chính sách quản lý nhà nước bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng vi phạm pháp luật đến các đơn vị trong Cục chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn.

Ma túy có nguồn gốc chủ yếu từ các quốc gia châu Phi, Trung Á, Nam Mỹ, Canada, Mỹ đi bằng đường hàng không quá cảnh qua các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Đông để đến Việt Nam; đặc biệt là cocaine có nguồn gốc từ các nước Nam Mỹ vận chuyển vào Việt Nam bằng các tuyến đường không, biển và chuyển phát nhanh để trung chuyển sang các nước khác.
Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Chống buôn lậu, gian lận thương mại

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái: Gian nan xử lý vi phạm hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử

TP. Hồ Chí Minh: Thu giữ lô nước hoa trị giá gần 1,2 tỷ đồng nghi giả mạo tại Namperfume

Lai Châu: Tập trung kiểm tra, ổn định hàng hóa tiêu dùng dịp cuối năm

Bắc Giang: Xử phạt hộ kinh doanh bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tạm giữ 160 sản phẩm thuốc lá điện tử nhập lậu

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện hơn 2.100 vụ buôn lậu và gian lận thương mại

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều cửa hàng bất chấp kinh doanh thuốc lá điện tử trái phép

Nam Định: Tạm giữ 200 áo phao không rõ nguồn gốc bán trên TikTok Shop

Hà Giang: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Hà Nội: Xử lý 2.295 vụ việc gian lận thương mại trong tháng 10 năm 2024

Bà Rịa - Vũng Tàu: Kiểm tra tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn

Cục Quản lý thị trường Bắc Giang công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ

Bắc Giang: Xử phạt hộ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Hà Nội: Quản lý thị trường thu giữ hàng trăm sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu

Tổng cục Quản lý thị trường tuyển dụng công chức năm 2024

Tập huấn, hướng dẫn kê khai tài sản, thu nhập tại Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh

Hà Nội: Xử lý cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử có dấu hiệu nhập lậu tại quận Hoàn Kiếm

Quản lý thị trường cả nước kiểm tra trên 61.000 vụ việc trong 10 tháng năm 2024

Tuyên Quang: Phát hiện và tạm giữ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu NIKE tại huyện Sơn Dương

Hà Nội: Phát hiện cơ sở có dấu hiệu sản xuất thực phẩm giả mạo nhãn hiệu