Doanh nghiệp, người dùng hưởng lợi từ công nghệ truy xuất nguồn gốc Bộ Công Thương đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm Bảo vệ người tiêu dùng khỏi các mối nguy về an toàn thực phẩm |
Ông Mai Quang Thịnh, nhà sáng lập VN Check - nền tảng truy xuất nguồn gốc và chống giả 4.0 cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
- Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi Việt Nam đã và đang hội nhập kinh tế - thương mại sâu rộng với toàn cầu?
Ông Mai Quang Thịnh: Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, trong đó có các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP… với nhiều nước có nền kinh tế lớn và phát triển đã là đối tác thương mại của Việt Nam. Khi doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt Nam đưa hàng hóa ra thị trường thế giới, phải tuân thủ các quy định theo thông lệ quốc tế, trong đó có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
![]() |
Ông Mai Quang Thịnh |
Trong các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP… đều yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc sản phẩm mới được hưởng các ưu đãi thuế quan.
Điều này đồng thời làm tăng tính minh bạch và tin cậy của sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp, hỗ trợ kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, đảm bảo sản phẩm lưu thông trên thị trường đạt các tiêu chuẩn và dễ dàng xử lý rủi ro khi có sự cố liên quan đến chất lượng.
Đáp ứng quy tắc xuất xứ, doanh nghiệp không chỉ được hưởng ưu đãi về thuế quan, mà sản phẩm cũng sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường hơn, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, giảm nguy cơ hàng hóa bị làm giả, làm nhái, gian thương thương mại, khi xuất khẩu cũng sẽ hạn chế được nguy cơ thị trường đối tác khởi kiện chống bán phá giá.
Truy xuất nguồn gốc còn góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và cơ quan quản lý giám sát quá trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đến tay người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Là một chuyên gia về truy xuất nguồn gốc, ông đánh giá ra sao về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa ở cả góc độ doanh nghiệp và quản lý nhà nước hiện nay?
Ông Mai Quang Thịnh: Thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa ở cả góc độ doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, theo tôi đã ngày càng được quan tâm, chú trọng hơn. Nhiều doanh nghiệp và nhà sản xuất khi đưa sản phẩm ra thị trường, xuất khẩu đã cố gắng thực hiện công việc này.
Tuy nhiên, truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng gặp những khó khăn, thách thức với các doanh nghiệp do chi phí và đầu tư công nghệ còn cao. Để xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cần đầu tư ứng dụng các công nghệ mới như IoT, AI và Blockchain tích hợp vào mã QR hoặc tem điện tử… đòi hỏi một khoản chi phí khá lớn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào kiểm soát quy trình sản xuất dẫn đến chuỗi thông tin không liền mạch, nhất quán.
Bên cạnh đó, việc tuân thủ quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế còn phức tạp, các quy tắc xuất xứ khác nhau giữa các FTA cũng khác nhau, khiến nhiều doanh nghiệp còn lúng túng khi thực hiện. Khi nguồn nguyên liệu nhập từ nhiều nước khác nhau việc xác minh và đảm bảo tính hợp lý của bằng chứng từ xuất xứ là một vấn đề khó khăn với doanh nghiệp. Thị trường còn thiếu và chưa ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Để đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh quy trình sản xuất, hoặc tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp, gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa hiểu rõ lợi ích của truy xuất nguồn gốc, hoặc chưa có định hướng chiến lược cụ thể để thực hiện.
Ở góc độ quản lý nhà nước, truy xuất nguồn gốc là một công cụ quan trọng để phòng chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Tuy nhiên, quy trình kiểm soát, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ, liên thông liên ngành giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, giữa cơ quản quản lý với nhau và giữa các FTA với nhau.
Hiện đã có những hệ thống truy xuất nguồn gốc khác nhau (mã QR, blockchain, RFID…), nhưng vẫn chưa có sự thống nhất dẫn đến khó khăn trong việc đồng bộ dữ liệu, thiếu minh bạch, tốn kém thời gian và chi phí.
Trong khi đó, công nghệ làm giả, làm nhái hàng hóa ngày càng tinh vi, có thể sao chép tem truy xuất, làm giả mã QR hoặc thậm chí hack cả hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, một số quy định về truy xuất nguồn gốc còn chưa được hoàn thiện.
Lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường rất lớn, năng lực và nhân sự chuyên môn của cơ quan chức năng trong thực hiện quản lý truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc cũng chưa đồng bộ.
Theo quy định tại Thông tư 02/2024/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ thì các sản phẩm phải có thông tin truy xuất công khai và truy xuất nội bộ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghiêm túc truy xuất nguồn gốc, thậm chí còn làm giả thông tin để trốn thuế hoặc để hợp pháp hóa nguồn nguyên liệu đầu vào. Đa số người tiêu dùng Việt chưa có thói quen kiểm tra truy xuất nguồn gốc khi mua hàng, điều này đã góp phần tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái tiếp tục lưu thông.
- Công nghệ mới bùng nổ, theo ông doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa được tốt hơn?
Ông Mai Quang Thịnh: Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển chiến lược quốc gia giai đoạn 2025-2030. Việc áp dụng những công nghệ mới vào truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả là giải pháp có tính then chốt.
Các doanh nghiệp cần đầu tư vào các công nghệ mới để tự động hóa quy trình sản xuất nhằm tối ưu lợi nhuận, giảm chi phí và kiểm soát tốt sản phẩm, hàng hóa khi tích hợp với hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Các công nghệ mới thích hợp có thể kể đến đó là: IoT (Internet vạn vật) vào quản lý chất lượng sản phẩm, máy móc, thiết bị và môi trường sản xuất), AI (trí tuệ nhân tạo) để tối ưu hóa quy trình, nhân sự, dự báo năng suất và chất lượng và công nghệ Blockchain (công nghệ chuỗi khối) để minh bạch toàn bộ chuỗi cung ứng.
Blockchain được xem là cuộc cách mạng đảm bảo tính minh bạch của dữ liệu, dữ liệu sạch đảm bảo tính ổn định lâu dài của hệ thống và là tiền đề để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.
Các thông tin liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sẽ được mã hóa và ghi nhận vào các khối, không thể bị thay đổi hay làm giả. Điều này sẽ giúp cho cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra thông tin bất kỳ lúc nào.
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp phát hiện các điểm bất thường trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, dự đoán các nguy cơ liên quan đến hàng giả. AI và Blockchain là sự kết hợp hoàn hảo để chống lại mọi hành vi làm giả dữ liệu, làm giả tem của sản phẩm, hàng hóa khi lưu thông trên thị trường.
Hệ thống Internet vạn vật thông qua việc tích hợp các cảm biến môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, độ PH, độ dẫn điện, tốc độ gió, dòng chảy...) gắn liền với hành trình sản xuất, vận chuyển sản phẩm. Hàng hóa sẽ được kiểm soát bởi mã QR duy nhất, khi người tiêu dùng quét mã QR trên sản phẩm, hệ thống sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về nguồn gốc và tình trạng của từng sản phẩm, lô hàng.
Áp dụng các công nghệ mới (Blockchain, AI, IoT) vào truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp sẽ được bảo vệ thương hiệu, giảm thiệt hại do hàng giả và tăng độ tin cậy với khách hàng và đối tác. Người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin sản phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe, tránh mua phải hàng giả. Cơ quan nhà nước có công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, phòng chống gian lận thương mại.
Ông Mai Quang Thịnh, nhà sáng lập VN Check: Việc áp dụng những công nghệ mới vào truy xuất nguồn gốc và chống hàng giả là giải pháp có tính then chốt. |
Xin cảm ơn ông!